Cầu tín dụng bắt đầu tăng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/12, thông tin tại Họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến ngày 21/12/2020, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019 và tăng 11,62% so với cùng kỳ năm trước.

Tín dụng cả năm 2020 dự kiến tăng 11%
Tính đến 18/12/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 12,83% so với cuối năm 2019 và tăng 14,62% so với cùng kỳ năm 2019. Thanh khoản hệ thống được thông suốt. Đây là kết quả của sự nỗ lực toàn ngành trong bối cảnh nhu cầu tín dụng suy yếu bởi các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Một trong những điểm tích cực của hệ thống ngân hàng trong năm 2020 được Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết là mặc dù nửa đầu năm 2020 tín dụng tăng chậm, song đã phục hồi từ quý II khi cầu tín dụng bắt đầu tăng. Cụ thể, đến cuối quý I/2020 tăng trưởng tín dụng chỉ có 1,31%, thì cuối quý II/2020 đã tăng dần lên 3,65%, cuối quý III tăng 6,08% và đến 21/12/2020 tín dụng đã tăng 10,14%, dự kiến tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019.
 Hoạt động nghiệp vụ tại SHB chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. So với cuối năm 2019, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 10,4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 9,8%; tín dụng đối với DN nhỏ và vừa tăng 11%... "Điểm đáng chú ý trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, DN khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tác động tiêu cực của thiên tai" - đại diện NHNN cho biết.

Cụ thể hơn, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.

Kiểm soát nợ xấu do tác động Covid-19

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD theo NHNN, trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020 được duy trì dưới 2%. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, từ tháng 8/2020 bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ trên mức 2%. Giải thích thêm về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nếu không có dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% cuối năm 2020 hoàn toàn trong tầm tay. Nhưng dịch bệnh tác động ghê gớm đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, là nguyên nhân khách quan dẫn đến việc DN và người dân không trả nợ được ngân hàng. Đây là việc ngoài tầm kiểm soát, do đó, ảnh hưởng đến đến mục tiêu của NHNN trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu và nguy cơ gia tăng nợ xấu.

“NHNN luôn kiên định, hạn chế, kiểm soát dòng tiền đi vào lĩnh vực rủi ro. Theo dõi, nắm bắt kịp thời các diễn biến bất thường có nguy cơ rủi ro để kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo TCTD xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động của TCTD” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Trước câu hỏi liệu lãi suất có giảm thêm nữa hay không, Phó Thống đốc cho biết còn phụ thuộc vào tình hình chung, tuy nhiên hy vọng năm 2021 vẫn tiếp tục xu hướng tích cực như kiểm soát dịch bệnh tốt… để điều hành lãi suất ổn định, hỗ trợ DN tiếp tục vay vốn.

"Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, NHNN tiếp tục siết chặt đổi tiền lẻ. Trong mấy năm qua, việc hạn chế in tiền lẻ mới giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng." - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú