Cây chết quanh dự án Hòa Phát - Dung quất: Các thông số đều ở mức cho phép

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả quan trắc cho thấy các thông số đều ở mức cho phép, nhưng người dân vẫn có ý kiến bất bình và đề nghị cần làm rõ trách nhiệm trong việc làm cây cối khô héo, chết bất thường ở xung quanh dự án thép Hòa Phát - Dung Quất.

Các thông số đều ở mức cho phép
Sáng 10/12, UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp dân để công bố kết quả quan trắc môi trường liên quan đến hiện tượng cây cối, hoa màu khô héo, vàng lá bất thường gần khu vực Công ty Cổ phần thép Hoà Phát - Dung Quất.
 Người dân tham gia buổi họp.
Theo đó, trước phản ánh tình trạng cây cối, hoa màu khô héo, vàng lá gần khu vực công ty cổ phần thép Hòa Phát - Dung Quất tại đội 13 thôn Thuận Phước và khu dân cư số 4 (thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận), ngày 28/11/2019, UBND huyện Bình sơn đã tổ chức đoàn đi kiểm tra thực tế hiện trường vụ việc. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng của huyện phối hợp với Trung tâm kỹ thuật quan trắc môi trường Dung Quất lấy mẫu đất, nước, không khí để đánh giá chất lượng môi trường tại khu vực xảy ra hiện tượng bất thường trên. Kết quả quan trắc đối với 4 mẫu đất, 2 mẫu không khí, 2 mẫu nước mặt cho thấy, các thông số đều nằm trong giới hạn cho  phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
 Các mẫu quan trắc đều cho thông số trong giới hạn cho phép.
Do đó, chưa thể nhận định được nguyên nhân xảy ra hiện tượng cây cối, hoa màu khô héo, vàng lá bất thường gần công ty cổ phần thép Hòa Phát- Dung Quất. Để nhận định khách quan và toàn diện về nhiều mặt, đánh giá nguyên nhân cơ bản nhất làm cơ sở giải quyết vụ việc một cách triệt để, UBND huyện Bình Sơn kiến nghị tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, xác định  thêm nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng bất thường trên, đề nghị đơn vị có chức năng điều tra độc lập để kết luân rõ nguyên nhân.
Người dân mời cán bộ xuống ở cùng
Liên quan đến kết quả quan trắc môi trường, nhiều người dân đã có ý kiến trái chiều.
 Có nhiều ý kiến trái chiều quanh kết quả quan trắc môi trường.
Bà Ngô Thị Chừng (thôn Đông Lỗ) bất bình: “Kết quả như thế nhưng tôi không chấp nhận được. Yêu cầu đơn vị nào cấp phép cho Hòa Phát thì phải có tiếng nói, phải về gặp dân chứng kiến để thấy người dân khổ sở như thế nào?”.
Ông Lê Quang Hải (thôn Đông Lỗ) cho biết, chính ông là người dẫn đoàn lấy mẫu lấy quan trắc, hiện nay kết quả cho thấy không ảnh hưởng, vậy cây khô cỏ chết là từ đâu? Đề nghị các cấp chính quyền đồng hành, bởi lúc này người dân ăn không ngon, ngủ không yên”.
Cũng liên quan đến vấn đề cây chết, khô héo bất thường, ông Phạm Nhất (thôn Đông Lỗ) bức xúc: “Cây chết thì người dân có sống được hay không? Còn nếu không xử lý được vấn đề này thì nhà máy ngừng hoạt động”.
 Người dân yêu cầu làm rõ nguyên nhân cây chết bất thường.
Theo ông Nhất, không chỉ riêng có vấn đề cây chết, những vấn đề khác đang ảnh hưởng đến đời sống của người dân như tiếng ồn, bui kim loại… đến nay vẫn chưa có quan trắc và trả lời thỏa đáng.
“Dân xin mời anh Lý Thọ (Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn) xuống ở với người dân một tháng để biết mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Thấy người dân ở đây khổ sở như thế nào!”, ông Tạ Văn Phố (thôn Đông Lỗ) bày tỏ.
Cũng liên quan đến vấn đề quan trắc, ông Lý Thọ - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn khẳng định, các mẫu được kiểm định chỉ ở thời điểm ngày 28/11, do đó để có kết quả khách quan và chính xác nhất, sắp tới sẽ có đoàn về kiểm tra, quan trắc liên tục trong nhiều ngày.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần