“Cây sáng kiến” cải tiến kỹ thuật

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù làm việc ở môi trường nhiều áp lực, nhưng “cây sáng kiến” Vũ Văn Bình (SN 1989, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội-Viettel) đã có nhiều ý tưởng sáng tạo và công trình nghiên cứu cải tiến kỹ thuật làm lợi 92,1 tỷ đồng cho tập đoàn.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017 cho Vũ Văn Bình.
Bước ngoặt cuộc đời
Vũ Văn Bình chia sẻ, năm 2012, Bình vào Viettel, được học và kế thừa nhiều trong lĩnh vực kỹ thuật. Đây là môi trường giúp Bình trưởng thành và là bước ngoặt bước vào nghiên cứu hàng loạt giải pháp triển khai đem lại hiệu quả cao cho tập đoàn.

Sau 5 năm công tác, năm 2017, Bình có 3 sáng kiến được công nhận, và chủ trì hàng chục nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật làm lợi hàng chục tỷ đồng. Chia sẻ về những ý tưởng sáng tạo, Bình cho biết, có 2 thời điểm đáng ghi nhớ nhất là được tham gia nghiên cứu, lựa chọn thành công công nghệ cung cấp internet băng rộng giúp Viettel xây dựng dịch vụ chất lượng tốt, tạo ưu thế cạnh tranh, trở thành nền tảng cung cấp dịch vụ internet. Đến nay, đã có hơn 3 triệu khách hàng sử dụng công nghệ GPON. Đặc biệt, Bình được tham gia dự án xác định nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý lỗi gập ống lỏng chứa sợi quang khi thi công hạ tầng cố định.

Giúp hàng nghìn kỹ sư giảm thời gian thao tác

Trong những ý tưởng sáng tạo, Bình ấn tượng với sáng kiến xoay góc thanh giữ đầu nối. Sáng kiến không tốn thời gian, nhưng giúp hàng nghìn kỹ sư hiện trường giảm thời gian thao tác, nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Ngoài ra nó còn tránh hoàn toàn việc vô tình nhìn thẳng vào lõi sợi quang làm ảnh hưởng đến mắt người lao động.
Nhớ lại thời điểm năm 2012 – 2013, khi Viettel chuyển sang cáp quang, Bình kể, qua nghiên cứu, nhóm nhận thấy cáp viễn thông thông thường có 24 sợi và trong đó có 4 ống lỏng, mỗi ống chứa 6 sợi quang. Vì vậy khi thi công, công nhân kéo hết một đoạn lại phải cắt sợi cáp và cắt luôn cả 24 sợi, nhưng lại chỉ dùng đúng một sợi để nối vào thiết bị cho khách hàng. Cách làm vừa tốn kém, vừa mất thời gian để hàn nối cáp. “Đối mặt không ít thách thức, sau một năm, nhóm đã tìm ra cách cải tiến các dây cáp hiện tại bằng cách giảm số sợi trong ống lỏng và thực hiện tách ống khi kết nối với tủ cáp. Phương pháp này giúp giảm chi phí thi công và tăng chất lượng dịch vụ” - Bình chia sẻ.

Không những vậy, Bình còn chủ trì nghiên cứu và tự thiết kế hệ thống lõi cung cấp dịch vụ truyền hình - hệ thống đầu tiên được triển khai tại Viettel. Chủ trì thiết kế, nâng cấp hệ thống lõi truyền hình Viettel giúp tăng năng lực từ 180 lên 270 kênh truyền hình, số khách hàng có thể phục vụ tăng từ 1 triệu lên 1,7 triệu. Hiện, Bình đang tham gia xây dựng hạ tầng internet cáp quang băng thông rộng, siêu rộng của Viettel đến từng hộ gia đình; góp phần phổ cập internet tại Việt Nam và mục tiêu xây dựng hạ tầng băng thông rộng quốc gia. Đây là huyết mạch thông tin, kết nối vạn vật (IoT) và là nền tảng cơ sở phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để có những sáng kiến đó, có những đêm, Bình thức đến 5 giờ sáng tìm thêm cơ sở logic tiếp cận vấn đề. Vì có niềm tin điều mình làm là hiệu quả đã giúp Bình và đội nghiên cứu thành công. Nguồn cảm hứng thúc đẩy việc không ngừng sáng tạo và đề xuất các giải pháp trong công việc của Bình đến từ những việc khó. “Làm về kỹ thuật thường không lãng mạn nhưng với em, cần nhất là những nụ cười mỗi khi mạng lưới có sự cố, sản phẩm chưa hoàn thành… khi ấy mọi điều sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn để đi tới thành công” - Bình nói.