CEO edX với chiến lược hình thành đại học doanh nghiệp

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Đại học doanh nghiệp (ĐHDN) ra đời với mục tiêu chính là tuyển chọn, phát triển và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, trung thành và đồng nhất văn hóa cho tổ chức của mình. Bên cạnh đó, một số ĐHDN được mở ra có thêm mục tiêu là đào tạo cho khách hàng, đối tác nhằm tạo ra lực lượng đông đảo khách hàng và đối tác trung thành" - đó là chia sẻ của CEO Tập đoàn edX Nguyễn Đình Hùng.

Hợp xu thế

Theo ông Hùng, thay vì đối phó với sự chậm chạp, không thể áp dụng của việc học lý thuyết được tìm thấy ở các trường cao đẳng và đại học truyền thống, vào những năm 1950, DN và ngành công nghiệp đã mở các trường ĐHDN (Corporate University) nhằm hướng nội và tạo ra các bộ phận đào tạo phát triển.
“Năm 2015, tỷ phú Jack Ma - ông chủ của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đã chuyển giao vai trò Giám đốc điều hành Tập đoàn cho Daniel Zhang và thôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Tập đoàn Alibaba vào năm 2019 để tập trung hoàn toàn cho công tác từ thiện và giáo dục” - CEO này dẫn chứng.
Thế nhưng, ít ai biết thực sự ông đã rời vai trò điều hành Alibaba vì điều gì? Thời điểm đó, tỷ phú Jack a đã cùng 8 doanh nhân nổi tiếng khác thành lập Đại học Hupan hoạt động theo mô hình ĐHDN, với mục tiêu đào tạo ra thế hệ doanh nhân mới, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế Trung Quốc với triết lý học tập dựa trên các bài học kinh doanh thất bại.
 CEO Nguyễn Đình Hùng trong một buổi nói chuyện với sinh viên về mô hình. Ảnh: Nguyên Dương
Tuy nhiên, ĐHDN cũng không phải là một khái niệm mới, nó được nhắc đến đầu tiên năm 1956 khi Tập đoàn GE (General Electric) thành lập GE's Corporate University, và sau đó là Đại học Hamburger được McDonald's được thành lập 1961.
Ngày nay, tại Mỹ, ĐHDN đã là một trào lưu mới khi các tập đoàn lớn đều có ĐHDN của riêng mình như: Microsoft University, Apple University, Oracle University, Volvo Group University, Visa University… Trong tương lai, ĐHDN có thể vượt lên về số lượng so với các đại học truyền thống, đơn cử tại Mỹ năm 2020 có gần 4.000 ĐHDN. Mô hình này không chỉ phát triển tại Mỹ và Trung Quốc, nó còn lan rộng sang Vương quốc Anh, Ấn Độ, Nga, Đức, thậm chí cả ASEAN như Indonesia, Malaysia và Singapore.
Cần hiểu rõ về mô hình

Lý giải về mô hình này, CEO Nguyễn Đình Hùng cho biết, ĐHDN được các tập đoàn thành lập với mục tiêu chính là tuyển chọn, phát triển và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, trung thành và đồng nhất văn hóa cho tổ chức của mình. Bên cạnh đó, một số ĐHDN được mở ra có thêm mục tiêu là đào tạo cho khách hàng, đối tác nhằm tạo ra lực lượng đông đảo khách hàng và đối tác trung thành.
Hơn nữa, ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại tri thức đang tới gần, cạnh tranh nhân sự chất lượng cao trên toàn cầu khốc liệt hơn bao giờ hết. Hiện, các DN thường thích tuyển chọn các nhân sự có kinh nghiệm từ các DN khác, thậm chí từ chính các đối thủ vì không muốn bỏ thêm chi phí cho việc đào tạo lại.
Bên cạnh đó, DN thường không hào hứng tuyển chọn nhân sự mới tốt nghiệp từ các trường đại học truyền thống. Bởi, DN phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc cho việc đào tạo nhân sự mới đó, nhưng lại nhận được rất nhiều rủi ro từ chính những nhân viên mới này. Nguyên do, nhân sự mới sau khi được đào tạo, có kinh nghiệm và trình độ rất dễ chuyển sang một DN khác, thậm chí DN đối thủ, do được trả mức thu nhập cao hơn (do DN đó không mất chi phí đào tạo lại). Một số nhân sự mới mong muốn ở lại làm việc thì lại không thể đáp ứng được nhu cầu công việc của DN. Thậm chí, chi phí bỏ ra để đào tạo sinh viên mới tốt nghiệp là quá lớn so với ngân sách tuyển dụng và đào tạo của DN.
Do đó, nhằm nâng cao chất lượng tuyển chọn và đào tạo nhân sự của mình, phù hợp với mục tiêu chiến lược của DN, ĐHDN không nằm trọng hệ thống giáo dục quốc dân để linh hoạt, chủ động về chương trình, phương pháp, giảng viên… mà không bị lệ thuộc bởi quy định của hệ thống giáo dục quốc dân. Vì vậy, một số lãnh đạo các trường đại học trên thế giới lo lắng khi ngày nào đó các DN không còn tuyển sinh viên của họ, mà chuyển sang chọn trực tiếp từ học sinh phổ thông.
Mô hình học tập của Đại học edX. Ảnh: Nguyên Dương
Nắm bắt được xu thế đó, Tập đoàn edX (thành lập vào ngày 28/9/2004) trong chiến lược phát triển, ngày 12/12/2018, CEO Nguyễn Đình Hùng đã quyết định mở Đại học edX là ĐHDN đầu tiên tại Việt Nam với mục tiêu tuyển chọn và đào tạo nhân sự cho edX và đối tác của mình.
Ông Hùng cho biết, Đại học edX không ngừng phấn đấu để trở thành đại học đẳng cấp quốc tế, thúc đẩy tinh thần quốc gia khởi nghiệp, đào tạo một thế hệ doanh nhân mới mang tên “Doanh nhân hạnh phúc”, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, giúp quốc gia hưng thịnh, phụng sự vì Việt Nam hạnh phúc khi các sinh viên có thể vừa học kiến thức, vừa có thể thực hành.
Tuy nhiên, ông Hùng cho biết, thời gian vừa qua một số đơn vị truyền thông đã hiểu nhầm và đăng một số bài làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Đại học edX, ảnh hưởng uy tín của DN. edX rất mong mọi người tìm hiểu kỹ, thấu hiểu một cách sâu sắc về mô hình ĐHDN và Đại học edX để tránh có những hiểu nhầm không đáng có về edX và có những thông tin chưa chuẩn.
 Nữ sinh Đại học edX với triết lý của mình. Ảnh: Nguyên Dương
“Mọi người có thể tìm kiếm trên internet các bài báo chia sẻ những trải nghiệm của sinh viên edX khi tham gia học tập, thực hành và làm việc tại Đại học edX, các bài báo quốc tế để hiểu rõ hơn về mô hình ĐHDN này” - vị này nói. Đồng thời ông cho biết, thời gian tới edX sẽ tổ chức hội thảo khoa học về mô hình ĐHDN với sự tham gia của các nhà khoa học, các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí tham dự để thông tin, giúp hiểu rõ hơn về khái niệm này.

"Thời gian vừa qua, một số đơn vị truyền thông đã hiểu nhầm và đăng một số bài làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của Đại học edX, ảnh hưởng uy tín của DN. edX rất mong mọi người tìm hiểu kỹ, thấu hiểu một cách sâu sắc về mô hình ĐHDN và Đại học edX để tránh có những hiểu nhầm không đáng có về edX và có những thông tin chưa chuẩn" - CEO edX Nguyễn Đình Hùng


Một số tập đoàn đã thành lập ĐHDN để chủ động trong công tác tuyển chọn và đào tạo nhân sự cho mình, cũng như cho cả đối tác và khác hàng của họ từ thị trường lao động, thậm chí từ các học sinh phổ thông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần