Chaebol - mục tiêu hàng đầu của các ứng viên Tổng thống Hàn Quốc

Hà Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các tập đoàn gia đình Hàn Quốc (chaebol) đang phải đối mặt với nguy cơ cải cách lớn, do tác động từ cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 9/5 tới.

Trước đó, các chaebol từng trải qua một cuộc cải cách, tuy nhiên những tập đoàn gia đình kiểu này vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Theo đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc, 4 chaebol lớn nhất đã chiếm khoảng một nửa giá trị của thị trường chứng khoán nước này. Một câu hỏi được đặt ra, liệu trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc diễn ra vào ngày 9/5 tới, vấn đề cải cách các chaebol sẽ mạnh mẽ tới mức nào. Tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ giải quyết những lo ngại về sự lớn mạnh cũng như tầm ảnh hưởng của các chaebol tới chính phủ và người dân đến đâu.

 Lãnh đạo 5 chaebol có tầm ảnh hưởng nhất đối với kinh tế Hàn Quốc.

Người đứng đầu cuộc tranh cử Tổng thống Hàn Quốc năm 2017, ứng viên Moon Jae-in - cựu lãnh đạo đảng Dân chủ chính đối lập nói, việc cải tổ chaebol là một trong các ưu tiên của ông, nếu trúng cử, bởi việc này có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Ông Moon cho biết, sẽ chấm dứt việc ân xá đối với các tội phạm tội kinh tế, đồng thời phá vỡ mối liên kết giữa chaebol và chính phủ. Trong đó, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ chính đối lập cũng cam kết khởi động chiến dịch cải tổ các chaebol bằng việc thông qua một loạt bộ luật vốn bế tắc ở Quốc hội để quá trình ra quyết định ở Samsung và các chaebol khác “dân chủ hơn”.

Các nhà làm luật đối lập cũng đang đẩy nhanh nỗ lực thông qua các bộ luật nhằm đơn giản hóa cấu trúc sở hữu của các chaebol, giúp các ban giám đốc độc lập hơn, tăng quyền cho những cổ đông nhỏ.

20 năm trước, Hàn Quốc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính lớn trong khu vực châu Á. Đồng thời, đây là một minh chứng rõ ràng về những sai lầm trong sự cộng sinh giữa chính phủ và các chaebol. Thời điểm đó, chính phủ Hàn Quốc thậm chí đã phải nhận gói cứu trợ 58 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế, nhằm ngăn chặn sự phá sán của quốc gia này. Mặc dù cuộc cải cách sau khủng hoảng tài chính năm 1997 – 1998 đã làm thay đổi hệ thống quản trị của các chaebol, nhưng lại không thể cắt đứt mối liên kết giữa chính phủ và chaebol.

 Ông Moon Jae-in - ứng cử viên sáng giá trong cuộc tranh cử Tổng thống Hàn Quốc năm 2017.

Mối quan hệ đối tác DN và chính phủ Hàn Quốc lâu này đã giúp các chaebol bóp nghẹt DN nhỏ hơn, đánh bại nhiều đối thủ quốc tế và thống trị đời sống kinh tế Hàn Quốc cho đến giờ. Theo một số ước tính, doanh thu của 10 chaebol hàng đầu tương đương 80% tổng sản lượng kinh tế đất nước. Trong lịch sử cũng ghi nhận không ít lần Tổng thống ra tay “cứu vớt” những lãnh đạo, quan chức điều hành chaebol. Gần đây nhất, cựu Tổng thống Park Geun-hye hồi năm 2015 đã đưa ra lệnh đặc xá cho ông Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK Group, người ngồi tù 31 tháng vì tội biển thủ hơn 40 triệu USD.

Giới quan sát nhận định, đây có thể là một trong những thách thức đối với vị tân Tổng thống Hàn Quốc nhiệm kỳ tới. Bởi, các chaebol được cho là có nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế Hàn Quốc. Các công tố viên Hàn Quốc thường xuyên phải cân nhắc tới hậu quả từ quyết định đưa ra lệnh bắt giữ lãnh đạo chaebol sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á. Điển hình như quyết định bắt giữ “thái tử” Samsung Lee Jae-yong, Tòa án Trung tâm quận Seoul cũng phải mất hai phiên điều trần mới có thể đưa ra phán quyết cuối cùng.

Chủ tịch điều hành Mark Mobius của Templeton Emerging Markets Group khẳng định, nhiều khả năng việc cải cách các chaebol sẽ thành công. Bởi, thời gian qua, vị thế của các chaebol đã có sự thay đổi rõ rệt. Thậm chí, các chaebol đã trở thành một “cái gai” trong mắt người dân, khi dính một loạt vụ bê bối, cáo buộc tham nhũng, biển thủ…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần