Chậm bước về miền đất Tổ

Việt Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm nào cũng vậy, mỗi dip tháng 3 âm lịch, hàng triệu người dân từ khắp mọi miền lại chậm bước về núi Nghĩa Lĩnh, dâng hương lên Quốc Tổ Lạc Long Quân, Quốc Mẫu Âu Cơ và đền Thượng – nơi thờ các vị Vua Hùng. Tiếng trống hội, trống đồng, đâm đuống, hát xoan nhộp nhịp, níu chân người phương xa.

6 giờ 30 phút ngày 25/4 (tức 10 tháng 3 âm lịch) diễn ra Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh. Các địa phương trong tỉnh, nơi có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương đồng loạt tổ chức dâng hương cùng thời gian dâng hương tại Đền Thượng.

 Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ VI. Ảnh: Việt Hà
Hội đông nhưng vẫn đảm bảo “5 không”
Mặc dù, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng 2018 tổ chức theo nghi thức năm lẻ, UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì, nhưng chỉ sau 4 ngày khai hội, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã đón hơn 3 triệu lượt khách. Ước tính ngày chính hội sẽ có khoảng 1,5 - 2 triệu lượt khách về miền đất Tổ.

Ngay từ sáng sớm ngày khai mạc (21/4), dòng người nối nhau tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng để dâng hương, tham quan, thưởng thức những tiết mục văn nghệ tại các trại văn hóa ở sân trung tâm lễ hội và dự các hoạt động văn hóa. Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2018, tỉnh Phú Thọ cam kết thực hiện “5 không” (không để xảy ra ùn tắc giao thông, không để xảy ra tình trạng kinh doanh “chặt chém”, không có ăn xin, ăn mày, không có các hành vi phản cảm và không để mất vệ sinh an toàn thực phẩm”).

Đại diện Ban tổ chức, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng Nguyễn Duy Anh cho biết: “Mặc dù lượng khách đông, nhưng không có tình trạng ùn tắc, mất an ninh, an toàn. Có thời gian cao điểm, các bãi trông xe đón hơn 1.000 ô tô, hơn 2.500 xe máy, nhưng không xảy ra tình trạng nâng giá trông xe. Công tác phân luồng, hướng dẫn, điều tiết giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước tham gia các hoạt động lễ hội được tổ chức bài bản, chặt chẽ, đúng kế hoạch”.

Mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, chị Dương Quỳnh Trang (xã Tứ Kỳ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) lại về Phú Thọ, mang theo ít lễ vật dâng lên các Vua Hùng, tham dự các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong lễ hội. “Tôi đã đi khá nhiều lễ hội ở các tỉnh, thành trong nước, nhưng mỗi lần về đất Tổ, tôi đều đánh giá rất cao công tác tổ chức và quản lý của Ban Tổ chức. Hiếm có lễ hội nào kéo dài mà không có tình trạng ăn xin, bán hàng rong, đổi tiền lẻ níu kéo du khách như ở đây. Các loại hàng hóa, giá cả cũng không còn tình trạng chặt chém du khách. An ninh trật tự tương đối đảm bảo, gần như không có tình trạng xô đẩy, móc túi du khách, dù lượng người khá đông” – chị Trang bày tỏ.

Nhộp nhịp ngày hội

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia góp giỗ của 4 tỉnh, thành là Thái Nguyên, Bình Dương, Quảng Nam, Kiên Giang. Rất nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức từ ngày đầu khai hội. Năm nào vào ngày mùng 7 tháng 3 âm lịch, các làng quanh khu di tích đều tổ chức rước kiệu. Năm nay có 7 đội kiệu đến từ các vùng Hy Cương, Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, Vân Phú (TP Việt Trì), Tiên Kiên, Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) đi từ sáng sớm để 8 giờ có mặt tại chân núi Nghĩa Lĩnh, mang theo đội múa sư tử, đội nhạc lễ, đội cờ hội, bát bửu, kiệu và đại diện các tầng lớp Nhân dân địa phương lên nơi thờ Vua Hùng. Lễ rước kiệu được tổ chức trang nghiêm, thành kính, đúng nghi thức truyền thống.

Bên cạnh lễ rước kiệu, còn có Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày tỉnh mở rộng lần thứ VI; Liên hoan hát Xoan thanh thiếu nhi TP Việt Trì lần thứ V, năm 2018; Hội sách đất Tổ và Triển lãm ảnh nghệ thuật năm 2018 được khởi động ở nhiều điểm trong khuôn viên di tích. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác như: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố; Hội trại văn hóa; Hội chợ Hùng Vương; Trưng bày tư liệu, hiện vật về chủ đề “Lễ hội và tín ngưỡng vùng Đất Tổ”; trình diễn hát xoan, đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân… tiếp tục được duy trì, tạo sự đa dạng, rực rỡ sắc màu cho lễ hội vùng đất Tổ.

Theo ông Hà Kế San – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Đền Hùng 2018: “Với mục tiêu xây dựng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trở thành một trong các lễ hội mẫu của cả nước, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực chỉ đạo, để đảm bảo lễ hội được tổ chức chu đáo, an toàn với phần Lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần Hội với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, tạo sức lan tỏa rộng rãi và sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương về viếng thăm Mộ Tổ”.