Chậm cải thiện là tụt hậu

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đặt mục tiêu năm 2035 thoát khỏi bẫy trung bình, tức GDP hàng năm phải tăng trên 8%.

Tăng trưởng nhưng phải bảo đảm bền vững, bảo vệ môi trường, lo cho người nghèo. Trong khi mấy năm gần đây vật lộn tăng trưởng cũng chỉ 6%, thực tế này đòi hỏi việc cải thiện môi trường kinh doanh không thể cứ tà tà như thời gian qua. Bởi nếu không có sự quyết liệt, chắc chắn mục tiêu 2035 là không thể.

 Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt ra mục tiêu thứ hạng khá cụ thể, như khởi sự kinh doanh từ vị trí 121 phải lên 60; thủ tục cấp phép xây dựng từ 166 ngày rút ngắn thêm 30 ngày; thời gian giải quyết tranh chấp từ 400 ngày còn 300 ngày;… nâng thứ hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu theo xếp hạng từ 60 lên vị trí 50… Nếu thực hiện tốt Nghị quyết, chắc chắn kinh tế trong nước sẽ phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy giữa chính sách và thực thi vẫn có khoảng cách khá lớn. Dễ thấy nhất thời gian qua đó là tình trạng không ít bộ, ngành, địa phương vẫn ban hành các chính sách và quy định mới gây khó khăn cho DN. Đơn cử như thủ tục hành chính thông quan và kiểm tra chuyên ngành, hay mới đây là quy định thu phí cửa khẩu cảng biển Hải Phòng… Trong cuộc bình chọn những quy định kém do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa qua vẫn còn nhiều quy định dựa trên cảm tính của nhà làm luật như “đại lý tàu biển phải có nhân viên pháp chế”; quy định không tiên liệu được “tác dụng phụ” như “hợp đồng lao động phải có nội dung cụ thể về trang thiết bị lao động, thời gian làm thêm giờ không quá 200 giờ/năm”; cấm đặt tên DN trùng với tên danh nhân; trang bị bình chữa cháy cho xe ô tô; văn phòng công chứng thay đổi trụ sở thì phải đổi tên… Thực tế này cho thấy nếu chỉ quyết tâm nhưng từng bộ, ngành, địa phương và từng cán bộ không có chuyển biến mạnh về tư duy, cách làm thì việc cải thiện môi trường kinh doanh vẫn trong tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”.

Không thể cứ nhìn thấy đầu tư nước ngoài tăng, DN đăng ký thành lập mới nhiều, kim ngạch xuất nhập khẩu từng năm có chuyển biến tích cực… để đánh giá môi trường kinh doanh đã cải thiện tốt. Bởi thực tế phía sau hào quang của Samsung, Intel, công nghiệp Việt Nam vẫn "ì ạch" gia công lắp ráp. Bên cạnh sự gia tăng về số DN đăng ký thành lập mới vẫn chứng kiến mức tăng ở chiều ngược lại khi cũng có không ít DN phải đóng cửa, ngừng sản xuất kinh doanh. Hay như đóng góp phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu lại là những DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… Và nếu nhìn sang những quốc gia khác, ngay trong khu vực thôi cũng có thể thấy nhiều nền kinh tế đang có những chuyển biến mạnh để có thể thấy việc cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục đòi hỏi sự nỗ lực gấp nhiều lần như đã làm thời gian qua. Nếu không sẽ đồng nghĩa với tụt hậu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần