Chăm cho “gốc” vững bền để “cây” xanh tốt

TS Ngô Vương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất, năng lực, đạo đức của cán bộ, đảng viên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý từ rất sớm.

Cùng với việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ, điều rất quan trọng là phải thường xuyên và kiên quyết đấu tranh làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ không còn đủ phẩm chất.
1. Người phương Tây hay nhắc câu: Độ bền của chuỗi xích phụ thuộc vào độ bền của mắt xích yếu nhất. Từng chi tiết hoạt động tốt là điều kiện quan trọng bảo đảm cho cả hệ thống bộ máy hoạt động tốt. Một bộ máy tốt, hoạt động có hiệu quả nhất thiết phải có những người vận hành tốt, những cán bộ tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt một cách cụ thể và thiết thực: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Mặt khác, đào tạo huấn luyện luôn đi đôi với việc sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ - đúng người, đúng việc, phát huy sở trường của từng cá nhân trong công việc chung cũng như từng việc cụ thể. Muốn vậy, theo Người “phải biết rõ cán bộ”, “phải cất nhắc cán bộ cho đúng”; “phải khéo dùng cán bộ”; “phải giúp cán bộ cho đúng”; “phải giữ gìn cán bộ”...
Trong bài nói về công tác huấn luyện và học tập tại Hội nghị lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập ngày 6/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nội dung công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ phải toàn diện, bao gồm các mặt không tách rời nhau: Huấn luyện nghề nghiệp (chuyên môn), huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận. Phương châm huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ có thể tóm lược như sau: “Thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”; “Huấn luyện từ dưới lên trên”; “Phải gắn lý luận với công tác thực tế”; “Huấn luyện phải nhằm đúng yêu cầu”; “Huấn luyện phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng”; “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”…
2. Ngay từ những ngày đầu của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyết tâm chống những căn bệnh dễ mắc trong bộ máy chính quyền Nhân dân còn đang rất non trẻ, đặc biệt là những căn bệnh của cán bộ, bệnh của những ông “quan cách mạng”. Người kịch liệt phê phán và đề nghị chấn chỉnh ngay những khuyết điểm: làm trái, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, hách dịch, ăn hối lộ, hủ hóa… Tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa I về những thành viên của Chính phủ không trong sạch: “Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”.
Cũng trong ngày 6/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin tha tội chết của Đại tá Trần Dụ Châu (Cục trưởng Cục Quân nhu), đã nhận án tử hình trước đó vì tội tham nhũng. Người nói với đồng chí Trần Đăng Ninh (đại ý): Cần phải diệt trừ hết những con sâu đó để cứu cả một rừng cây xanh tốt. Bài học đó, lời dặn đó vẫn còn “nóng” đến hôm nay. Nhưng đến hôm nay, những “kẻ bất liêm” vẫn tồn tại trong xã hội, thậm chí ở tại ngay những cơ quan thi hành pháp luật, những cơ quan được giao trọng trách đấu tranh chống lại quốc nạn tham nhũng, buôn lậu và gian lận; những cơ quan được giao trọng trách duy trì sự nghiêm minh của pháp luật… Tình trạng này một phần do hệ thống luật pháp của chúng ta chưa đồng bộ, còn nhiều kẽ hở, phần khác do việc thi hành luật chưa nghiêm minh, pháp luật chưa đảm bảo tác dụng giáo dục và răn đe. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ đó giữ địa vị nào, làm nghề gì” đang đặt ra như một yêu cầu bức xúc của xã hội. Chúng ta vẫn cần làm theo lời dặn của Người: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân”. 
3. Công tác cán bộ của chúng ta hôm nay vẫn theo những chỉ dẫn của tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ. Mục tiêu cuối cùng vẫn là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ trong bối cảnh mới.
Những biểu hiện cụ thể của suy thoái được nêu trong Nghị quyết T.Ư 4, Khóa XII Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng như những tiêu chí đối chiếu với mỗi cán bộ đảng viên, mỗi tổ chức Đảng để tự kiểm tra, tự đánh giá và từ đó đề ra cách sửa chữa, khắc phục khuyết điểm.
Gần đây nhất (4/2017), Bộ Chính trị có kết luận về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ theo quy trình 5 bước để tránh và chống những sự “cơ cấu” đặc biệt trong công tác cán bộ tiếp tục diễn ra. Thực hiện tốt những điều đó sẽ lấy lại được lòng tin của Nhân dân, đáp ứng được mong mỏi của Nhân dân khi kỳ vọng vào sự tiến bộ trong hoạt động của các cơ quan công quyền.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần