Chậm giải ngân vốn đầu tư công là nút thắt cổ chai của nền kinh tế

Ngọc Hải – Hoàng Hiệp
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng, là nút thắt cổ chai của nền kinh tế”.

Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các Bộ ngành, địa phương về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ thướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư và địa phương trên cả nước. Tại điểm cầu Hà Nội có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham luận tại Hội nghị.
Đầu tư công là một trong những nguồn lực rất lớn, quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là phát triển hạ tầng của tất cả các vùng miền. Đầu tư công góp khoảng 10,7% giá trị GDP, 32% mức đầu tư toàn xã hội năm 2019.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đặc biệt, năm 2019 được cho là năm chậm nhất trong nhiều năm qua. Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong tổng nguồn vốn 429.300 tỷ đồng được phân bổ vốn sẵn sàng giải ngân khoảng 367.000 tỷ, bằng 85,5% dự toán.
Theo đánh giá của Bộ trưởng bộ KH&ĐT, vốn sẵn sàng giải ngân cao, đây không phải nguyên nhân trực tiếp của việc giải ngân thấp. Viẹc giải ngân chậm đến từ rất nhiều nguyên nhân như: Vướng mắc về thể chế, pháp luật; Công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế; Công tác triển khai của các bộ/ngành, địa phương còn chậm trễ…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, việc giải ngân chậm đã tạo ra nút thắt cổ chai cho nền kinh tế, điều này gây ra 4 hậu quả lớn: Ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và GDP; Ảnh hưởng đến nguồn lực của các dự án lớn, ảnh hưởng đến huy động vốn xã hội, sâu xa là ảnh hưởng đến uy tín quốc gia; Gây lãng phí lớn vì tiền đã được bố trí mà “nằm một chỗ” không thể chi; Gánh nặng cho doanh nghiệp khi phải đội vốn, ảnh hưởng đến uy tín, việc làm và lãng phí thời gian…
Về phía Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trong năm 2019 đã giao kế hoạch vốn đầu tư theo quyết định số 6688/QĐ-UBND ngày 07/12/2018 với tổng số vốn  hơn 44.917 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư cấp TP là hơn 29.019 tỷ đồng, cấp huyện là hơn 15.897 tỷ đồng.
Qua điều chỉnh, tổng kế hoạch vốn cho đầu tư của toàn TP đến nay là hơn 52.524 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách cấp TP là hơn 31.490 tỷ đồng, chi ngân sách cấp huyện là hơn 21.034 tỷ đồng. Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư năm 2019 tính đến thời điểm này là hơn 47.388 tỷ đồng.
Tính đến 15/9, toàn TP đã giải ngân vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2019 được 14.175 tỷ đồng...  Một số đơn vị, địa phương có mức giải ngân khá như: UBND quận Hà Đông (99%), UBND huyện Thanh Trì (92%), UBND huyện Quốc Oai (73%), UBND huyện Đan Phượng (64%), Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (44%).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công của TP Hà Nội. “Hà Nội đã chủ động đưa ra nhiều biện pháp mới trong giai đoạn còn nhiều khó khăn. Phân cấp mạnh mẽ cho các quận, huyện và vận dụng cơ chế linh hoạt để giải phóng mặt bằng. Qua đó, đạt hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công rất tích cực” – Thủ tướng nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần