Chăm lo giáo dục cho vùng đồng bào dân tộc

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn ba năm triển khai Chương trình hành động số 27-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của Thủ đô nhìn chung được nâng cao rõ rệt.

Đặc biệt phải kể tới những chuyển biến tích cực trong GD&ĐT vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Tỷ lệ phổ cập giáo dục ngày một tăng
Đến hết năm 2016, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi (DTTSMN) có gần 100% số trẻ em trong độ tuổi được học mẫu giáo. Tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đạt 100%. Trên 90% học sinh tốt nghiệp THCS vào trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề). Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương tăng qua các năm, hiện đạt trên 80%. Năm học 2016, 141 học sinh thuộc vùng DTTSMN của Thủ đô đã đạt được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi cấp quốc gia, cấp TP, và thi đỗ kỳ thi THPT quốc gia với số điểm trên 21. 

Cơ sở vật chất của trường Tiểu học xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) được nâng cấp ngày một khang trang, rộng đẹp.

Có được thành tích trên, bên cạnh nỗ lực tự thân của mỗi học sinh, phải nhắc tới sự quan tâm, đầu tư lớn của TP. Trong 5 năm (từ 2012 - 2016), thông qua nhiều chương trình phát triển, trọng tâm là Kế hoạch số 166 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô”, Hà Nội đã bố trí trên 643 tỷ đồng đầu tư 50 dự án thuộc lĩnh vực GD&ĐT trên địa bàn 14 xã vùng DTTSMN. Đến nay, toàn khu vực đã có 35/56 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia. Các chế độ chính sách đối với học sinh vùng DTTSMN được quan tâm thực hiện. Học sinh đến trường ngoài việc không phải đóng học phí còn được cấp miễn phí trang thiết bị, đồ dùng học tập. Việc xét tuyển học sinh dân tộc vào lớp 6 và lớp 10 tại Trường phổ thông dân tộc nội trú của Hà Nội được thực hiện công khai, minh bạch, đúng chỉ tiêu, đúng đối tượng dựa trên các quy định của Bộ GD&ĐT...
Bên cạnh đó, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác GD&ĐT vùng DTTSMN cũng được quan tâm, thực hiện đầy đủ, bảo đảm kịp thời. Cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% lương cơ bản và được hưởng 0,3 hệ số lương trách nhiệm. Công tác dạy tiếng dân tộc thiểu số theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP và Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg tiếp tục được chú trọng.
Xây dựng trường học thành “địa chỉ đỏ”
Trong giai đoạn 2016 - 2020, việc nâng cao chất lượng GD&ĐT vùng DTTSMN tiếp tục được TP coi là nhiệm vụ trọng tâm. Điều này được cụ thể hóa trong Kế hoạch số 138 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020”, khi TP dự kiến bố trí tổng kinh phí lên tới 328 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 35 trường học tại các xã vùng DTTSMN. Mục tiêu mà ngành GD&ĐT Thủ đô hướng tới là đến cuối năm 2020, trên 80% số trường học các cấp thuộc vùng DTTSMN đạt chuẩn quốc gia.
Để phát triển toàn diện nền GD&ĐT của Thủ đô, trong đó có giáo dục vùng đồng bào DTTSMN, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa phương pháp giảng dạy và công tác quản lý. Chú trọng giáo dục về nếp sống văn minh và nét đẹp truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục, nhất là tại vùng đồng bào DTTSMN. Mỗi trường học phải phấn đấu để trở thành một “địa chỉ đỏ” - nơi ươm mầm ước mơ, sức sáng tạo, khuyến khích tài năng phát triển, hướng tới khởi nghiệp thành công. Trường học phải là môi trường tốt nhất để các em có điều kiện học tập, rèn luyện, trở thành người có ích.             

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần