Chậm phát triển các đô thị vệ tinh

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về mặt lý luận, đô thị vệ tinh (ĐTVT) là mô hình phù hợp cho một cấu trúc đô thị lớn với mục tiêu giảm thiểu sự lệ thuộc vào khu vực vùng “lõi” trung tâm.

Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, động lực phát triển các ĐTVT của Thủ đô vẫn mang tính dự báo ở giai đoạn lập quy hoạch. Vì vậy, sau hơn 8 năm triển khai, hình hài các trung tâm công nghiệp, sinh thái, làng đại học tại các ĐTVT vẫn nhạt nhòa. “Vết dầu loang” nhà máy chuyển đi, chung cư lấp chỗ vì thế vẫn “đè” lên khu vực nội đô.
20 tuổi vẫn còn “bú sữa”
Đô thị Hòa Lạc là ĐTVT lớn nhất trong 5 ĐTVT của Hà Nội, có quy mô diện tích và dân số tương dương với một số TP loại I như Thanh Hóa, Thái Nguyên… Cách đây nhiều năm (kể từ khi chưa sáp nhập Hà Tây với Hà Nội), đô thị Hòa Lạc luôn được kỳ vọng sẽ trở thành cái nôi về công nghệ, đào tạo - khoa học cao ở Miền Bắc. Nhưng, tính đến thời điểm hiện tại, mục tiêu có vẻ còn xa vời.
 Nhiều bãi đất trống trong dự án Đô thị Hòa Lạc chưa được triển khai.Ảnh: Tuấn Anh
Trải qua hơn 20 năm thành lập, đến nay, công tác GPMB cho toàn Khu công nghệ cao (KCN) Hòa Lạc vẫn chưa xong (còn 243ha chưa giải phóng được), hệ thống hạ tầng kỹ thuật triển khai qua nhiều giai đoạn nên thiếu đồng bộ, không đáp ứng nhu cầu thu hút các nhà đầu tư. Dòng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, từ các dự án sản xuất tới nghiên cứu và phát triển vì thế vẫn ít chảy vào KCN cao Hòa Lạc. Ngay cả hạ tầng xã hội như bệnh viện, thiết chế văn hóa, trường học… còn rất hạn chế. Tình trạng “yên tĩnh” trong suốt thời gian dài tại KCN trọng điểm này từng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von “20 tuổi vẫn còn bú sữa”.

Được biết, dự án Đại học Quốc gia Hà Nội với quy mô 1.000ha gồm 13 trường ĐH và các trụ sở viện khoa học, bệnh viện, ký túc xá… cũng đang “nằm yên” do vướng thủ tục điều chỉnh quy hoạch, GPMB. Chậm hơn 2 năm so với tiến độ nhưng dự án mới chỉ có khu nhà khách, dãy nhà cho chuyên gia, 4 dãy ký túc xá cao 5 tầng. Cả khu vực rộng lớn chỉ lác đác vài công nhân thi công tại công trình làm đường nội bộ, một dự án vừa xây xong móng mới nhô lên 2 - 3 tầng và hàng trăm ha phủ kín cỏ dại.

Theo KTS Trần Duy – Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, vấn đề cần được xem xét là lợi ích gì có thể khiến DN đang được hưởng những điều kiện gần như lý tưởng trong môi trường sôi động ở khu đô thị trung tâm, chuyển đến một nơi cách trung tâm TP 30km với vị trí khá biệt lập. Từ đó cần có sự can thiệp mạnh mẽ, đi kèm với những chính sách ưu đãi để sớm tạo nguồn lực đô thị.

Vắng bóng “công dân mới”

Cách Hòa Lạc hơn 10km cũng về phía Tây, ĐTVT Xuân Mai (thuộc huyện Chương Mỹ lấy vùng lõi là thị trấn Xuân Mai) định hướng phát triển KCN Nam Tiến Xuân với quy mô gần 200ha, ưu tiên các dự án ngành sản xuất công nghiệp sạch, phát triển ngành nghề truyền thống. Mặc dù trong quá trình kêu gọi, thu hút nguồn nhân lực đầu tư, tạo điều kiện cơ chế và chính sách ưu đãi nhưng đến nay dự án vẫn đang nằm trên “giấy”.

Ông Đinh Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho hay, tính đến nay, đô thị sinh thái Trúc Sơn cũng chỉ “hữu danh vô thực”. Lý do là Trúc Sơn (Chương Mỹ) chỉ cách nội thành hơn 20km nhưng phải mất hơn 1 giờ di chuyển do tình trạng tắc đường, kẹt xe liên miên. Quốc lộ 6 và nhiều tuyến đường giao thông kết nối đô thị trung tâm với Chương Mỹ rất kém nên dường như vô hình dung đang đẩy lùi tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng theo ông Đinh Mạnh Hùng, để hình thành được ĐTVT Xuân Mai, trước hết phải thu hút từ 6 - 8 vạn sinh viên, bố trí 172,87ha đất trường đào tạo tập trung và 147,40ha đất dự trữ phát triển dành cho trường đào tạo tập trung. Cũng trong dự thảo Quy hoạch chung xây dựng huyện Chương Mỹ từng đề xuất “sẽ hình thành 1 khu đại học tập trung, với quy mô từ 600 - 650ha, tại khu ĐTVT Xuân Mai, thu hút khoảng 80.000 sinh viên”. Tuy nhiên, dù quy hoạch chung Thủ đô được triển khai 5 năm, nhưng cơ chế chính sách và chuyển cơ sở các trường đại học nội đô ra các ĐTVT còn chậm, chưa hình thành được khu đại học, trung tâm giáo dục để phục vụ đào tạo lao động trên địa bàn huyện và vùng phụ cận.

Tương tự Xuân Mai, đô thị Sơn Tây - vùng lõi của văn hóa xứ Đoài cũng gặp không ít trở lực trong quá trình phát triển, mà trước hết là ở quy hoạch bởi thị xã vẫn chưa có quy hoạch chi tiết, các quy hoạch phân khu. Về giao thông, dù đường bộ đã kết nối với trung tâm qua đường 32, Đại lộ Thăng Long - QL21. Tuy nhiên, đường 32 bắt đầu quá tải, đường 21 đã xuống cấp. Giao thông nội bộ của Sơn Tây cũng chưa đáp ứng nhu cầu của ĐTVT. Nhiều tuyến đường chưa được xây dựng, hoặc xây dựng dang dở như tuyến đường từ Thành cổ Sơn Tây đến Đền Và, tuyến đường thượng lưu đê hữu Hồng kết nối với cảng Sơn Tây… cũng đã phần nào cản trở sự phát triển tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng.

Về sản xuất công nghiệp và thương mại của Sơn Tây, theo phản ánh của người dân chỉ có cụm công nghiệp Phú Thịnh được lấp đầy. Cụm công nghiệp Sơn Đồng theo quy hoạch rộng 72ha, nhưng chưa có nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mới triển khai được khoảng 17ha. Nếu không xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút nhà đầu tư thì rất khó để hút nguồn vốn và nhân lực chảy về khu đô thị.

Dọc hai bên tất cả trục đường chính Đại lộ Thăng Long dẫn về Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, nhiều khu đô thị mà cả mới lẫn cũ chen nhau “cửa đóng then cài”, bỏ mặc dây leo và nhện giăng. Bao quanh những dãy nhà hoang này, các khoảnh cỏ tươi tốt được nhiều người dân trong vùng tận dụng đưa trâu, bò và cả dê vào chăn thả. Tình trạng này trở thành nỗi lo khi nhà chạy trước hạ tầng kết nối với khu vực lõi Hà Nội.

Chỉ đạo về việc phát triển hiệu quả ĐTVT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ: Vấn đề then chốt là cần phát triển hạ tầng đồng bộ, các tuyến kết nối, xuyên tâm, vành đai. Đặc biệt, trong chỉ đạo thực hiện quy hoạch, TP cần tránh phát triển theo “vết dầu loang”. Quỹ đất dôi ra sau khi di dời nhà máy, trường học, bệnh viện… trong nội đô ra ĐTVT phải ưu tiên phát triển công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe… thay vì chồng tầng xây cao ốc, chung cư.