Chăm sóc cây xanh tại trường học: Không thể lơ là

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo khảo sát của phóng viên, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội trồng cây xanh lâu năm. Hằng năm, hầu hết các nhà trường đều chi một khoản từ ngân sách để tổ chức cắt tỉa, chăm sóc, theo dõi từng cây nhằm bảo đảm an toàn trường học.

Thường xuyên kiểm tra cây
Là một trong những trường sở hữu nhiều cây xanh lâu năm, trao đổi với phóng viên Kinh tế&Đô thị, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) Nguyễn Bội Quỳnh cho biết: "Mỗi năm nhà trường chi hơn 20 triệu đồng để thuê cắt tỉa, chăm sóc cây xanh tại khuôn viên nhà trường. Công việc này do công ty cây xanh thực hiện vào tháng 6, tháng 7, khi bắt đầu vào mùa mưa bão
. Mỗi lần cắt tỉa, chúng tôi đều yêu cầu đơn vị chức năng tổ chức thăm khám để kịp thời phát hiện các cây có dấu hiệu mục ruỗng, khô cành. Sau đó, hoạt động này được UBND phường Trần Hưng Đạo xác nhận bằng văn bản”.
Cũng theo Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, hiện nhà trường có 14 cây to, lâu năm, chiếm đa số là cây xà cừ. Ngoài ra, một số cây si, cây sấu ở khu vực cổng trường được trồng từ trước ngày trường thành lập (năm 1955).
 Cây si gần trăm tuổi được ban lãnh đạo trường THPT Việt Đức thường xuyên cắt tỉa, thăm khám. Ảnh: Bảo Trọng
Hiện tại, có nhiều cây đã trồng gần 80 năm. Để tránh những sự cố đáng tiếc do cây xanh đổ, gãy, ban lãnh đạo nhà trường đã tổ chức quây vùng an toàn xung quanh thân cây để hạn chế học sinh, giáo viên qua lại và lắp đặt ghế ngồi tránh hướng tán cây có thể đổ.
Lo lắng thân cây lâu năm có thể đổ gãy bất cứ lúc nào, lãnh đạo trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, TP Hà Nội) đã tổ chức rà soát tổng thể toàn bộ cây xanh trong khuôn viên nhà trường.
Theo Hiệu trưởng Đặng Văn Chiến, nhà trường hiện có 18 cây có độ tuổi trên 60 năm. Hằng năm, nhà trường đều tổ chức kiểm tra, cắt tỉa đúng định kỳ và theo tiêu chuẩn của công ty cây xanh. Riêng cây phượng vĩ được cho là “già làng” trong các cây xanh đã được ban lãnh đạo nhà trường tổ chức diệt mối, cắt tỉa các cành, nhánh có dấu hiệu khô, mục.Với 79
trường học và hơn 41.000 học sinh, tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, theo định kỳ, trước mùa mưa bão, các trường đều tổ chức cắt, tỉa cây xanh để bảo đảm an toàn.
"Trong những giai đoạn thời tiết có nhiều biểu hiện thất thường, phòng GD&ĐT huyện đều có chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tiến hành các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong trường học, trong đó có hoạt động chăm sóc, cắt tỉa cây xanh"– Trưởng Phòng GD&ĐT Đặng Văn Viện cho biết.
Quy định chi tiết về môi trường giáo dục an toàn
Chiều 27/5, trao đổi với phóng viên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh cho biết, các quy định về môi trường an toàn trong giáo dục đã được cụ thể hoá tại Điều 89 của Luật Giáo dục năm 2019. Theo đó, nhà trường có trách nhiệm thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục, quy tắc ứng xử; chủ động phối hợp với gia đình và xã hội để tổ chức hoặc tham gia các hoạt động giáo dục theo kế hoạch, bảo đảm an toàn cho người dạy và người học.
 Cắt tỉa cây xanh trên phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng
Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị dẫn chứng thêm Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã xác định môi trường giáo dục an toàn là môi trường giáo dục mà người học được bảo vệ, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần.
Cụ thể, tại Điều 5 của Nghị định quy định các cơ sở giáo dục được yêu cầu phải bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích, cháy, nổ; an toàn phòng, chống thảm hoạ thiên tai. Ở góc độ quản lý cao nhất về công tác giáo dục, ông Linh cho biết, Bộ GD&ĐT thường xuyên có văn bản nhắc nhở, chỉ đạo các sở GD&ĐT triển khai các biện pháp nhằm gây dựng môi trường giáo dục an toàn.
“Việc bảo đảm các cây xanh đủ điều kiện để nuôi trồng chỉ là một trong nhiều nội dung Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường phải triển khai để tạo môi trường giáo dục an toàn” – ông Linh cung cấp thêm.
Quay lại sự việc đau lòng mới xảy ra tại TP Hồ Chí Minh làm một học sinh tử vong và 17 học sinh khác bị thương, do cây đè ngay khuôn viên nhà trường, ông Bùi Văn Linh nhận định, đây là sự cố vô cùng đáng tiếc.
“Mỗi trường công lập đều có khoản kinh phí từ ngân sách để bảo đảm an toàn trong môi trường giáo dục. Việc có thể xảy ra lỗi từ nhà trường hay không, cơ quan chức năng sẽ điều tra, làm rõ. Khó có thể yêu cầu các giáo viên đánh giá sức khỏe của các cây xanh trong nhà trường, nhưng việc thường xuyên kiểm tra, rà soát định kỳ cây xanh là một hoạt động không thể lơ là” – ông Linh phân tích.

Các nhà trường nghiêm túc rà soát cây xanh

Trước mùa mưa bão, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản nhắc nhở các phòng GD&ĐT cùng các cơ sở giáo dục liên quan tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, cán bộ trong đó có hoạt động phòng, tránh rủi ro, tai nạn do cây xanh đổ, gãy gây ra. Các cơ sở giáo dục phải thường xuyên phối hợp đơn vị chuyên môn tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện các cây xanh trong khuôn viên có nguy cơ gãy, đổ, mục, hư gốc, thân. Ngoài ra, các nhà trường được yêu cầu phải có kế hoạch định kỳ thăm khám cây xanh trong khuôn viên nhà trường. Theo đánh giá sau kiểm tra, công tác chăm sóc, cắt tỉa, thăm khám cây xanh được các nhà trường thực hiện nghiêm túc." - Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP Hà Nội Hoàng Hữu Trung


Cần xem xét nhiều phương diện trách nhiệm

Trong tình huống cây đổ ở trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vừa qua, cần xét đến đơn vị sở hữu, chủ sở hữu, chiếm hữu được giao nhiệm vụ chăm sóc cây xanh, phải chịu trách nhiệm bồi thường khi gây ra các tình huống ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, thiệt hại vật chất do cây đổ gây ra. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng phải bồi thường, cần chia tình huống. Cụ thể, tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, sẽ không phải bồi thường thiệt hại bởi sự kiện bất khả kháng; hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

Như thế nào là bất khả kháng? Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Chính vì quy định này, nếu nhà trường đã triển khai các biện pháp như cắt tỉa cành, buộc cây, xử lý mối mọt... để giảm thiểu tai nạn có thể gây ra thì sẽ không phải bồi thường." - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội Nguyễn Chiến