Chặn bệnh sính ngoại

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", một lần nữa câu chuyện ưu tiên sử dụng hàng trong nước sản xuất tại các dự án mua sắm công được nhắc đến.

Vấn đề này hiện không còn dừng lại ở khuyến khích, vận động mà trở thành một yêu cầu bắt buộc khi trước đó Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị nhấn mạnh yêu cầu dùng hàng trong nước đã sản xuất được.

Đây là chủ trương đúng và cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Yêu cầu này không những giúp triệt tiêu bệnh sính ngoại mà còn hạn chế tình trạng tham nhũng, lãng phí, ngăn ngừa nguy cơ nhập những sản phẩm, máy móc công nghệ lạc hậu ở các nước phát triển. Chỉ thị mua sắm công tập trung cũng nghiêm cấm những cách làm gây khó khăn cho DN trong nước có sản phẩm chất lượng tham gia vào các công trình, dự án có vốn đầu tư từ ngân sách. Đó là yêu cầu bắt buộc mà nhiều nước trên thế giới đã và đang làm để bảo vệ một cách chính đáng quyền lợi của các DN sản xuất, kinh doanh trong nước. Đồng thời tạo cơ hội, động lực khuyến khích để những DN này nâng cao trách nhiệm, từng bước hoàn thiện mình. Và về lâu dài đó là một trong những hướng phát triển bền vững khi DN trong nước tăng được sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Thực tế, thông qua việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” những năm gần đây có không ít DN trong nước đã có được chỗ đứng trên thương trường, đặc biệt trong lĩnh vực hàng thực phẩm, tiêu dùng, may mặc… Cũng có không ít DN đủ sức đảm đương các dự án lớn. Vì vậy ưu tiên mời gọi đầu tư trong nước trước khi mời gọi đầu tư nước ngoài, chỉ mời gọi đầu tư nước ngoài vào các dự án và lĩnh vực mà DN trong nước không thể làm được không còn là nhận thức mà phải là ý thức của mỗi đơn vị, cá nhân, trong đó có các dự án đầu tư từ ngân sách. Không lý gì hàng trong nước chất lượng không thua kém, nhà thầu trong nước có năng lực lại không thể tiếp cận để trở thành nhà cung cấp, tham gia các dự án đầu tư trên chính thị trường nội. Tuy nhiên, muốn vậy điều quan trọng hiện nay phải công khai danh mục các dự án mời gọi đầu tư trong nước, có những chính sách khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài liên kết DN trong nước cùng đầu tư. Cách làm này không chỉ tạo ra hiệu quả mà còn hỗ trợ rất lớn khi quy mô của phần lớn DN trong nước còn nhỏ, trình độ công nghệ, sản xuất còn thấp…

Cơ chế, chính sách đã có, điều quan trọng trong thời gian tới là sự quyết liệt trong việc thực hiện. Bên cạnh đó là sự đồng hành của các DN, không coi đó để dựa dẫm mà phải coi đó là cơ hội để hoàn thiện mình, tạo sự liên kết tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ. Hàng nội tốt, chất lượng dịch vụ bảo đảm, giá cả cạnh tranh… không lý gì chọn hàng ngoại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần