Chấn chỉnh hoạt động taxi: Đề xuất phân vùng để quản lý

Chia sẻ Zalo

KT ĐT - Hà Nội hiện có 114 doanh nghiệp (DN) taxi với 17.405 xe (chưa kể 1.000 taxi "dù"). Tuy nhiên, trên 70% số xe taxi lại hoạt động chủ yếu trong khu vực 10 quận nội thành dẫn đến cung vượt cầu.

Do đó, siết chặt quản lý hoạt động taxi trong điều kiện hạ tầng giao thông thiếu và yếu đồng thời bảo đảm quyền lợi của người dân đang được UBND TP gấp rút triển khai.

Chiều 18/4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã cùng với các sở, ngành nghe báo cáo Dự thảo Đề án quản lý hoạt động vận tải bằng taxi trên địa bàn giai đoạn từ nay tới năm 2015 và định hướng đến năm 2030.

14.000 xe taxi hoạt động trong nội thành

Theo khảo sát của Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) trong số hơn 17.405 xe taxi đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, có khoảng 14.000 xe hoạt động tại 10 quận. Đó là chưa kể tại khu vực sân bay Nội Bài có 4 DN taxi hoạt động với khoảng 700 xe thường xuyên đưa khách từ sân bay vào trung tâm thành phố và ngược lại. Trung bình, mỗi km2 đường đô thị phải "gánh" 16 xe taxi hoạt động. Theo tính toán, với 17.000 xe taxi phải cần tới 10 - 15ha đất để dừng, nhưng hiện chỉ đáp ứng được từ 5 - 10% nhu cầu, dẫn đến quá tải và UTGT trên các tuyến phố, nút giao thông trong khu trung tâm.

Về dịch vụ hành khách, mới có khoảng 20 hãng lớn quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ (đầu tư xe tốt, lái xe được trang bị đồng phục và ứng xử thân thiện, lịch sự với khách hàng). Phần lớn các hãng, chất lượng dịch vụ rất kém, thậm chí có hành vi gian lận cước như gắn chíp điện tử hoặc chạy lòng vòng. Cũng do buông lỏng trong công tác quản lý nên tình trạng lái xe dừng, đỗ sai quy định, phóng nhanh vượt ẩu, đi sai làn đường khá phổ biến. Thậm chí thời gian qua trên địa bàn đã xảy ra các trường hợp lái xe taxi chống người thi hành công vụ…

Siết chặt quản lý

Theo Đề án quản lý hoạt động vận tải bằng taxi, dự báo, tổng số phương tiện taxi toàn TP phù hợp đến năm 2015 khoảng 21.000 xe và đến 2020 khoảng 26.000 xe. Đồng thời đưa ra các nhóm giải pháp quản lý taxi đến năm 2020 gồm: bổ sung điều kiện kinh doanh vận tải taxi; phân vùng hoạt động vận tải taxi theo phạm vi trong và ngoài vành đai 3; quản lý khai thác vận tải taxi bằng tổng đài dùng chung; tăng cường quản lý nguồn nhân lực từ quản lý, điều hành và lái xe taxi…

Về lộ trình thực hiện, giai đoạn 2012 - 2015, sẽ hạn chế phương tiện hoạt động trong vùng trung tâm, trong đó sẽ tạm dừng thành lập mới các doanh nghiệp kinh doanh taxi và số lượng taxi để xây dựng chính sách quản lý và chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp taxi; đấu thầu hoạt động vận tải hành khách bằng taxi trong khu vực vùng trung tâm. Giai đoạn này, các xe taxi thực hiện chuyển đổi màu sơn (quy định về màu sơn do TP ban hành) và mục tiêu đến năm 2015 toàn bộ taxi cùng một màu sơn; Bắt buộc phải có đồng hồ tính cước tự in hóa đơn. Giai đoạn sau năm 2015,  sẽ thống nhất màu sơn theo vùng trong đó taxi hoạt động ngoài vùng trung tâm thống nhất màu sơn khác với màu sơn khu vực trong vùng trung tâm; Các DN phải bảo đảm ít nhất 30% phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch.

Chấn chỉnh hoạt động taxi: Đề xuất phân vùng để quản lý - Ảnh 1

Thanh tra giao thông kiểm tra giấy tờ xe trước khi xuất bến tại Mỹ Đình. Ảnh: Thanh Hải

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT lại cho rằng, tăng cường kiểm tra công tác cấp chứng chỉ hành nghề lái xe, từ tay nghề, sức khỏe, khả năng thuộc đường phố Thủ đô… sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi khách hàng và giảm UTGT. Việc tính toán, quy hoạch các điểm đón khách và điểm đỗ taxi cũng sẽ góp phần tạo thói quen cho lái xe và hành khách chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Ông Nguyễn Huy Quang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho rằng, đã là taxi thì phải chở khách "từ cửa đến cửa" chứ không thể đưa ra phân vùng giới hạn theo địa giới hành chính. Việc quy định DN phải bảo đảm có 30% phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch cũng cần được cân nhắc kỹ, vì hệ thống cung cấp nhiên liệu chưa được bảo đảm.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đánh giá, đề án đã được nghiên cứu khá kỹ lưỡng, khoa học, nhưng vẫn cần có các đánh giá tác động khi thực hiện. Việc phân vùng taxi hoạt động cần có những quy định hợp lý để tránh tình trạng khách muốn đi từ địa bàn này sang địa bàn khác lại phải đổi xe. Phó Chủ tịch đã yêu cầu Sở GTVT và đơn vị tư vấn tiếp nhận các ý kiến, bổ sung vào dự thảo đề án để báo cáo, xin ý kiến thường trực UBND TP và Thành ủy trong thời gian tới.

Taxi đang phát triển bất hợp lý,  do đó việc quản lý hoạt động taxi là việc phải làm ngay. Nhà nước không hạn chế taxi nhưng buộc các DN taxi phải hoạt động nghiêm túc và loại bỏ những DN không bảo đảm chất lượng, hoạt động manh mún, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ để bảo đảm quyền lợi của người dân.

Ông Nguyễn Quốc Hùng Giám đốc Sở GTVT Hà Nội