Chấn động “Hồ sơ Paradise”

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn công nghệ máy tính Apple là cái tên tiếp theo vướng nghi án trốn thuế trong vụ “Hồ sơ Paradise” - vụ rò rỉ được dự đoán nhiều khả năng sẽ soán ngôi vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” hồi năm ngoái.

Trụ sở của Apple tại Singapore. 

Theo các thông tin mới được tiết lộ từ vụ rò rỉ “Hồ sơ Paradise” cho thấy, “gã khổng lồ” Apple đã chuyển phần lớn tài sản có được từ hoạt động của các chi nhánh nước ngoài về một “thiên đường thuế” ở Jersey, quần đảo Channel thuộc Anh. Từ trước năm 2014, Apple đã đưa toàn bộ doanh thu của các chi nhánh nước ngoài (chủ yếu là châu Âu) về các chi nhánh tại Ireland để được hưởng ưu đãi thuế và giảm thiểu khoản thuế phải đóng. Chịu sức ép của Chính phủ Mỹ và các quốc gia châu Âu về cách hoạt động này, Apple đã tìm đến sự tư vấn của Appleby, công ty luật có văn phòng tại Bermuda và một số địa điểm khác, vốn đang là tâm điểm của vụ rò rỉ “Hồ sơ Paradise”.

Apple cũng đã xác nhận có hoạt động này trong một thông báo trực tuyến, đồng thời khẳng định hãng vẫn tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ trả thuế và các khoản phải thanh toán cho Chính phủ Mỹ, với tổng thuế thu nhập phải nộp lên tới hơn 35 tỷ USD trong 3 năm qua. Trong thông báo này, “gã khổng lồ” Apple giải thích phần lợi nhuận chuyển tới Jersey được thực hiện theo đúng những thay đổi phù hợp với luật thuế cải cách của Ireland ban hành năm 2015. Apple cũng khẳng định, hãng không được hưởng lợi gì về mặt thuế quan khi thực hiện thay đổi này, đồng thời nhấn mạnh việc làm này không ảnh hưởng tới các khoản thuế phải trả cho các nước khác. Tuy nhiên, hãng không đề cập cụ thể loại thuế nào.

“Hồ sơ Paradise” do Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố hôm 5/11. Hồ sơ này gồm hàng loạt văn bản tài chính rò rỉ từ Appleby. Theo đó, “Hồ sơ Paradise” có khoảng 13,4 triệu tài liệu, tiết lộ các hoạt động trốn thuế ở nước ngoài của hơn 120 chính khách, DN hàng đầu, người nổi tiếng thế giới. Đây được coi là con số khổng lồ lớn hơn rất nhiều so với “Hồ sơ Panama” hồi năm ngoái. Bên cạnh Apple, còn rất nhiều cái tên đáng chú ý khác được nhắc tới, trong đó phải nói tới khoản 10 triệu bảng Anh (13 triệu USD) tiền riêng của Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã được đầu tư vào một quỹ ở Cayman Islands chưa từng được công bố. Tất nhiên, việc đầu tư này không bất hợp pháp, nhưng giới chuyên gia đã đặt ra những câu hỏi về việc liệu Nữ hoàng Anh có nên đầu tư ở nước ngoài.

“Thiên đường thuế” là cách gọi về một khu vực mà mặt pháp lý mức thuế được ấn định hoặc rất thấp hoặc được miễn hoàn toàn. Tài sản cất giữ ở các "thiên đường thuế" là một vấn đề nan giải đối với các chính phủ trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây. Giới chuyên gia cho rằng, lượng tài sản cất giữ ở nước ngoài trên thế giới hiện lên đến 10.000 tỷ USD. Con số này tương đương với tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nhật, Anh và Pháp gộp lại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây vẫn là một ước tính dè dặt.

Đến thời điểm hiện tại, những gì được rút ra được số tài liệu rò rỉ trên được cho mới chỉ là “bề nổi” về việc các chính trị gia, các công ty đa quốc gia, người nổi tiếng sử dụng cấu trúc phức tạp gồm các quỹ và công ty bình phong để cất giữ tài sản, tránh bị đánh thuế, hoặc che giấu các thương vụ…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần