Chặn rác từ xa

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9 vừa qua, chỉ đạo một loạt biện pháp khẩn cấp, quyết liệt để ngăn rác đội lốt phế liệu vào Việt Nam cho thấy, nỗi lo sợ Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi phế liệu quốc tế… rõ ràng không phải chuyện đùa.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến 28/8/2018, hiện cả nước có hơn 17.000 container phế liệu chưa làm thủ tục thông quan. Trong đó, Hải Phòng có 4.200 container, TP Hồ Chí Minh 3.100 container, Bà Rịa – Vũng Tàu hơn 5.500 container, còn lại nằm ở các cảng khác trong cả nước. Đáng nói, số container phế liệu tồn trên 90 ngày chiếm phần lớn. Nhiều tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu đã làm giả mạo giấy xác nhận, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng, cố tình nhập phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, quy định nên sau đó bỏ mặc hàng hoặc từ chối nhận hàng.

Theo một chuyên gia trong ngành môi trường, việc để ùn ứ một số lượng quá lớn phế liệu ở các cảng biển như hiện nay trách nhiệm thuộc về đơn vị cấp phép. Đặc biệt, đã có nhiều cảnh báo từ cuối năm 2017 về chính sách cấm nhập 24 loại phế liệu của Trung Quốc nhưng giấy phép vẫn được cấp, hàng nghìn container phế liệu vô chủ vẫn ùn ùn đổ vào lãnh thổ Việt Nam. “Việc xin phép nhập khẩu phế liệu lâu nay quá buông lỏng, ai cũng có thể nhập được. Thế nên mới có chuyện nhập về rồi từ chối nhận hoặc nhập về để bán lại nhưng khi thấy phế liệu không đúng loại mình cần thì lại bỏ đó, mặc kệ cho cảng, hải quan xử lý” - vị chuyên gia này nhận định.

Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi trong danh sách 242 DN đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu thời gian qua do Bộ TN&MT công bố, có đến 103 DN được phép nhập khẩu ủy thác, gián tiếp. Tức là các DN đủ điều kiện nhập khẩu nhưng không có nhu cầu sử dụng phế liệu tái chế, xin nhập khẩu phế liệu về bán cho DN không đủ điều kiện... khiến cho thị trường nhập khẩu phế liệu vốn đã nhiêu khê lại càng thêm hỗn loạn.

Bởi thế, Chỉ thị số 27/CT-TTg được ví như một “trận đánh” trực diện và quyết liệt vào thị trường nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu 8 bộ (TN&MT, Công Thương, Tài chính, GTVT, Quốc phòng, Công an, KH&CN, Ngoại giao) và UBND các tỉnh, thành cùng vào cuộc để ngăn chặn rác từ xa. Trong đó, Bộ Ngoại giao được Thủ tướng giao nhiệm vụ “gác cửa” bằng cách thông báo cho các quốc gia thường xuyên nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam biết, Việt Nam chỉ cho nhập chủng loại hàng hóa đạt chuẩn, không nhập rác thải. Bộ Công an phối hợp với Interpol đấu tranh phòng ngừa việc lợi dụng nhập phế liệu để đưa rác thải vào Việt Nam.

Đặc biệt, Chỉ thị số 27/CT-TTg cũng nêu rõ, từ nay không cấp mới hay gia hạn giấy phép nhập khẩu ủy thác, chỉ xem xét cấp cho DN nhập trực tiếp về sản xuất. Với chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ, sự quyết liệt của các cơ quan, ban, ngành và sự vào cuộc của ngành kiểm toán là đẩy mạnh các nội dung kiểm toán về môi trường, trong đó có nhập khẩu phế liệu (được công bố tại Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 đang diễn ra tại Hà Nội), hy vọng, nỗi lo nguy cơ Việt Nam trở thành bãi phế liệu quốc tế sẽ nhanh bị đẩy lùi, DN làm ăn đàng hoàng thực sự có “đất” sống tốt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần