Chặn tiêu cực trong thi cử: Phải bắt đầu từ nhà giáo

Bài, ảnh: Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có rất nhiều giải pháp được các chuyên gia đề xuất để chặn đứng tiêu cực thi cử nhưng hơn hết phải bắt đầu từ các thầy cô cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và thanh tra, giám sát.

Địa phương phải chịu trách nhiệm

Ngày 9/8, tại buổi tọa đàm “Chặn đứng tiêu cực thi cử - giữ môi trường giáo dục trong sạch” do báo Lao Động tổ chức, TS Phương pháp Giảng dạy Toán Lê Thống Nhất cho biết, ông đã rất sốc khi nhìn thấy hình ảnh các nhà giáo bị tra tay vào còng số 8 vì sửa bài thi, nâng điểm thi. “Những con người ấy đáng lên án. Tôi đề nghị phải có hình thức xử phạt nghiêm minh, để tất cả những ai liên quan đến thi cử ở Việt Nam không dám gian lận nữa” – TS Lê Thống Nhất đề nghị. Còn đại biểu Quốc hội khóa XII Bùi Thị An cho rằng, không có lời nào biện hộ cho các thầy cô đã dùng công nghệ cao để gian lận vì rất đáng phê phán. Đây là những “con sâu” cần phải loại bỏ để năm sau không lặp lại.
Thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học tại trường Đại học Thương mại.
Trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, đã có 7 thầy cô giáo dính vào vòng lao lý là biểu hiện sự xuống cấp của một bộ phận giáo viên. Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2017 – 2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đứng lên nhận lỗi và xin chịu trách nhiệm. Nhưng dư luận xã hội cũng như các chuyên gia tham dự tọa đàm đều chỉ ra trách nhiệm của địa phương khi để xảy ra gian lận thi cử.

Đã có danh sách đối tượng sai phạm điểm thi

Ngày 9/8, trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT ông Mai Văn Trinh cho biết, cơ quan chức năng xác định được danh sách những người làm sai lệch điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La và các đối tượng cũng đã khai nhận. Cơ quan chức năng đang điều tra, dùng các biện pháp kỹ thuật, kể cả công nghệ cao để sớm có giải pháp. (Chi Lê)

"Giáo dục phải được xây dựng dựa trên nguyên lý căn bản là cơ sở niềm tin. Một điều lưu ý nữa là niềm tin phải đúng chỗ, cần không gian quản lý và triệt để ứng dụng công nghệ. Cho nên giải pháp căn bản và căn cơ là phải xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Nghị quyết 29 đã nói xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý then chốt thì mới có thể đổi mới giáo dục thành công. Đồng thời, còn có giải pháp cực kỳ quan trọng là tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý. " - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng đặt vấn đề, qua sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT cần rà soát lại quy chế thi xem đã thực sự lường hết các tình huống, quy định rõ trách nhiệm của cá nhân và lãnh đạo Sở GD&ĐT ở địa phương để hoàn thiện quy trình tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia.

Triệt để ứng dụng công nghệ vào thi cử

Nói về những vụ việc gian lận thi cử vừa qua, TS Lê Thống Nhất khẳng định: “Chúng ta đang bắt bệnh. Bắt mà không hết thì không bao giờ chặn được tiêu cực thi cử. Mọi người đang quên một thủ phạm, virus rất quan trọng gây ra gian lận thi cử, đó là một bộ phận phụ huynh. Do đó, phải tuyên truyền để họ không bằng mọi giá cho con mình phải đỗ đại học khi không có năng lực". Và, để chặn đứng những sai phạm trong thi cử, TS Lê Thống Nhất đề nghị áp dụng công nghệ vào việc triển khai và giám sát thi cử. "Chúng ta phải dùng quy chế, công nghệ và giám sát chặt chẽ để không ai có thể gian lận được” - TS Lê Thống Nhất đề nghị.

Qua kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT đã định vị được 4 vấn đề phải làm tốt hơn. Thứ nhất, ngân hàng đề thi phải phong phú và chất lượng hơn; trên cơ sở đó để xây dựng đề thi chính thức đáp ứng yêu cầu kỳ thi THPT Quốc gia. Thứ hai, chúng ta phải hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm; tăng cường các giải pháp an ninh, an toàn bảo mật, để những người muốn vi phạm cũng không thể. Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Và phải rà soát tổng thể các quy trình quy chế theo hướng xác định rõ hơn vai trò và trách nhiệm của những người tham gia vào kỳ thi này và quy định cụ thể vấn đề xử lý tiêu cực. TS Phạm Tất Thắng đồng tình với những giải pháp ông Trinh nêu ra và nhấn mạnh đến yếu tố con người thực hiện tất cả những khâu trên từ biên soạn quy chế, đề xuất giải pháp kỹ thuật, thực thi tổ chức tại các địa phương... Nếu con người có đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, được tập huấn tốt và nhận thức được rõ trách nhiệm, hậu quả của những việc làm sai thì chắc chắn sẽ thực hiện tốt chức trách của mình. Cùng với đó là sự kiểm tra giám sát từ Bộ GD&ĐT, địa phương, xã hội, phụ huynh, học sinh để đảm bảo môi trường giáo dục trong sạch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần