Chặng đường 10 năm “Giờ Trái đất” tại Việt Nam

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ lần đầu tổ chức năm 2009, đến nay, sự kiện Giờ Trái đất tại Việt Nam đã trải qua chặng đường 10 năm với mục đích tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường sống.

Thông điệp mỗi năm khác nhau, song Giờ Trái đất đều chung một ý nghĩa là tạo nên một Trái đất xanh hơn. Giờ Trái đất đã trở thành sự kiện lớn nhất thế giới được tổ chức thường niên vào tối ngày thứ 7 cuối cùng của tháng 3, tạo ra ảnh hưởng lớn tới cộng đồng DN, người dân trên toàn thế giới trong việc kêu gọi tiết kiệm năng lượng.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, TP sẽ tăng cường tiết kiệm điện, nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế các bon thấp. Đặc biệt, vận động sự tự nguyện tham gia của các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp thực hiện trong suốt các thời gian tiếp theo. Nhất là đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại các điểm tiến hành tắt điện và tổ chức sự kiện một cách thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí… Ảnh: Khắc Kiên

Năm 2007, Giờ Trái Đất 2007 do Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) phát động được tổ chức tại Sydney của Úc. Chiến dịch này đã làm giảm 10,2% sản lượng điện bằng 48.613 chiếc xe ôtô trên đường, giảm 24,86 tấn khí CO2.
Đến 2008, trang web chính thức cho các sự kiện này đã nhận được trên 6,7 triệu lượt truy cập chỉ trong đầu tuần hướng tới Giờ Trái Đất. Với 35 quốc gia trên khắp thế giới tham gia và trên 400 thành phố cùng hỗ trợ.
Các Đại sứ của chương trình giao lưu và truyền đi những thông điệp về tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Khắc Kiên
Năm 2009, với khẩu hiệu “Tắt đèn, Bật tương lai”, Giờ Trái đất có sự tham gia của 2.100 thành phố và 82 quốc gia (tăng hơn rất nhiều so với năm 2008). Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam tham gia Giờ Trái Đất, với các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hội An, Huế và Nha Trang, tắt điện nhiều địa điểm nổi tiếng ở trung tâm thành phố trong khoảng thời gian đã định. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tích cực hưởng ứng ngay từ năm nay. Lượng điện giảm được 140.000 kWh, tương đương 132 triệu đồng.
Các đại biểu và Đại sứ của chương trình cùng ấn nút phát động. Ảnh: Khắc Kiên
Năm 2010, Giờ Trái đất diễn ra lần lượt ở các quốc gia trên khắp thế giới và đã có 92 quốc gia đã chính thức đăng kí tham gia. Với khẩu hiệu Giờ Trái Đất 2010 "Hành động nhỏ cho thay đổi lớn", Giờ Trái đất diễn ra từ 20h30 đến 21h30 ngày 27/3, với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Chỉ tính trong 1 giờ tắt đèn, Việt Nam đã tiết kiệm được 500.000 kWh điện, tương đương 450 triệu đồng. Trong suốt những ngày trước sự kiện tắt đèn, Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện để nâng tầm hiểu biết của người dân về Giờ Trái đất như đạp xe tuyên truyền, giao lưu…
Năm 2011, Giờ Trái Đất đã diễn ra vào ngày 26/3. Với khẩu hiệu "Tắt đèn 60 phút, hành động 365 ngày vì biến đổi khí hậu", nhằm mục đích kêu gọi tiết kiệm điện quanh năm, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia và đã tiết kiệm được 400.000 kWh tương đương 500 triệu đồng.
Chụp ảnh giao lưu tại lễ phát động. Ảnh: Khắc Kiên
Năm 2012, Giờ Trái đất bắt đầu từ 20h30 đến 21h30 ngày 31/3 với sự tham gia của khoảng 135 quốc gia và vùng lãnh thổ và số người hưởng ứng đã lên đến 1,8 tỷ người. Tại Việt Nam, với thông điệp “Tôi và bạn hãy cùng hành động”, kêu gọi các ban ngành, doanh nghiệp, tổ chức và mọi người dân tham gia chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong chiến dịch này, Việt Nam đã tiết kiệm 546.000 kWh, ước tính 712 triệu đồng. Đây là năm Việt Nam tiết kiệm được nhiều nhất trong suốt những năm tham gia hưởng ứng Chiến dịch.
Năm 2013, Giờ Trái đất diễn ra vào thứ Bảy, ngày 23/3. Các thành phố khác nhau trên khắp hành tinh đã cùng tắt đèn và thiết bị điện không cần thiết trong vòng 1 giờ để cùng giảm nhẹ tác động của sự nóng lên toàn cầu. Với khẩu hiệu "Tôi và bạn hãy cùng hành động", Việt Nam tiết kiệm được khoảng 401.000 kWh, tương ứng với 576 triệu đồng. sự kiện Giờ Trái đất năm 2013 đã nhận được sự hưởng ứng của tất cả 63 tỉnh thành khắp cả nước.
Năm 2014, chiến dịch ngày càng nhận được sự hưởng ứng rộng rãi, lan rộng từ 1.000 đến hơn 7.000 thành phố, từ 1 đến 5 châu lục, từ 2 triệu đến hàng trăm triệu người cùng hưởng ứng. Với chủ đề: “Hãy hành động để trái đất thêm xanh”, đây là lần thứ 8 Chiến dịch này được tổ chức trên thế giới và thứ 6 tại Việt Nam. Trong 60 phút tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết của chiến dịch Giờ Trái đất tối 29/3, Việt Nam tiết kiệm được sản lượng điện 431.000 KWh, tương đương khoảng 650 triệu đồng.
Đi bộ hưởng ứng Giờ Trái đất 2018 ngày 17/3
Năm 2015, với thông điệp “Tiết kiệm năng lượng - Ứng phó với biến đổi khí hậu”, Giờ Trái đất diễn ra vào ngày 28/3. Cùng với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, với khoảng 7.000 thành phố trên toàn thế giới, đồng loạt 63 tỉnh, thành của Việt Nam đã tiếp tục hưởng ứng Chiến dịch này bằng nhiều hình thức phong phú như đạp xe cổ động, diễu hành tập thể, phát tờ rơi, poster, vận động lấy cam kết. Cả nước đã tiết kiệm được 520.000 kWh tương đương tiết kiệm được khoảng 850 triệu đồng.
Năm 2016, với chủ đề "Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn", đây là năm thứ 8 Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục tài trợ chính của Chiến dịch 8 năm liên tiếp. Theo thống kê, trong 1 giờ tắt đèn, Việt Nam đã tiết kiệm được 451 MW tương đương 451.000 kWh điện, tiết kiệm được hơn 731.000 triệu đồng. Chiến dịch Giờ Trái đất là một trong những hành động của Việt Nam thể hiện cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 góp phần cùng thế giới chung tay trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu.
Với thông điệp “Tắt đèn - Bật tương lai”, Giờ trái đất 2017 diễn ra vào tối ngày 25/3. Hệ thống điện Việt Nam đã tiết kiệm được 471.000 kWh, tương đương với giá trị khoảng 764 triệu đồng. Nhiều hoạt động như Kết nối doanh nghiệp và Giờ trái đất 2017”: Kêu gọi khoảng 2.000 doanh nghiệp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng hưởng ứng Chiến dịch; Phát cẩm nang Tiết kiệm điện đến các hộ gia đình ở 63 tỉnh, TP; Đạp xe cổ động tuyên truyền, treo băng-rôn, poster...; Cuộc thi ảnh với chủ đề: “Tiết kiệm điện năng - hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”.
Năm 2018, Go More Green (Hôm nay tôi sống xanh hơn) là thông điệp của năm thứ 10 Việt Nam tham gia. Chiến dịch nhằm mục đích vận động cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện các hoạt động về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục hưởng ứng với vai trò nhà tài trợ đồng hành 10 năm liên tiếp cùng Chiến dịch này. Hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2018, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 60 tỉnh, thành trên cả nước sẽ đồng loạt tắt đèn từ 20h30 - 21h30 ngày 24/3. Trong gần 1 tháng của chiến dịch. Ngoài ra, sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức trên cả nước như cam kết sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp, các hộ gia đình, giao lưu với các khối trường học, tổ chức các cuộc thi, trình diễn Flashmob, đi bộ cùng đại sứ và vẽ tranh hưởng ứng Chiến dịch, các hoạt động đạp xe, thu gom rác thải điện tử…
"TP sẽ tăng cường tiết kiệm điện, nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế các bon thấp. Đặc biệt, vận động sự tự nguyện tham gia của các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp thực hiện trong suốt các thời gian tiếp theo. Nhất là đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại các điểm tiến hành tắt điện và tổ chức sự kiện một cách thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí… cho Giờ Trái đất 2018" - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải.