Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chàng Sơn - sức bật từ tiểu thủ công nghiệp

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong xu thế đất nông nghiệp ngày một bị thu hẹp, người dân xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất đã chủ động chuyển sang phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp để nâng cao đời sống Nhân dân.

Ông Chu Kiến Đạo ở thôn 1 là thế hệ thứ tư ở xã Chàng Sơn gắn bó, gìn giữ và phát triển nghề mộc. Trong khu xưởng sản xuất rộng hàng nghìn mét vuông của gia đình ông có gần 30 nhân công đang làm việc.
 Sản xuất đồ gỗ tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất
Ông Đạo cho hay, sản phẩm của gia đình chủ yếu là giường, tủ, bàn ghế và đồ thờ cúng. Nếu như khoảng 5 năm trước, mặt hàng làm ra khá giản đơn, có giá thành bình dân, thì vài năm trở lại đây, trước nhu cầu của thị trường và thị hiếu tiêu dùng được nâng cao, nhiều sản phẩm gia công tinh xảo và cầu kỳ được sản xuất ngày một nhiều hơn. Sản phẩm của gia đình ông Đạo nay đã được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, mang lại doanh thu hàng năm không dưới 25 tỷ đồng…
Theo thống kê, toàn xã Chàng Sơn có trên 300 hộ dân làm nghề mộc, trong đó có 80 cơ sở sản xuất lớn, còn lại là phát triển ở quy mô nhỏ lẻ. Không chỉ có nghề mộc, nghề làm quạt truyền thống cũng mang lại thu nhập khá cho người dân Chàng Sơn. Phó Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn Nguyễn Hữu Thịnh cho biết, năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản của địa phương đạt khoảng 382 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2016 và chiếm tới 60% tổng giá trị cơ cấu kinh tế. Trong đó, tiểu thủ công nghiệp với trọng tâm là nghề mộc, nghề làm quạt truyền thống có đóng góp lớn nhất. Sự phát triển của hai ngành nghề kể trên là yếu tố giúp thu nhập của đại bộ phận người dân địa phương liên tục tăng trong suốt nhiều năm qua và hiện đã đạt trên 49 triệu đồng/người/năm.

Dù vậy, như nhiều làng nghề khác trên địa bàn TP, địa điểm sản xuất làng nghề vẫn đang là bài toán chưa lời giải đối với xã Chàng Sơn. Thực tế, cụm công nghiệp làng nghề của địa phương mới chỉ đáp ứng nhu cầu cho gần 1/3 số hộ sản xuất nghề mộc. Trong khi đó, phần lớn các hộ làm quạt vẫn phải sản xuất trong khu dân cư, khiến việc giao thương, buôn bán cũng như định hướng mở rộng quy mô sản xuất gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ông Thịnh kiến nghị UBND huyện Thạch Thất sớm nghiên cứu, đề xuất TP cho phép mở rộng cụm công nghiệp làng nghề với diện tích trên 15ha tại các khu đồng Bậm, đồng Cóc và đồng Mồ Làng. Đây sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tại xã Chàng Sơn.