Chất lượng đầu vào là yếu tố quan trọng trong tuyển sinh đại học

Bảo Thắng thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng không khó, quan trọng là phải tìm phương án để đảm bảo chất lượng đầu vào.

 PGS.TS Bùi Đức Triệu
Ông đánh giá thế nào về những biến động trong giáo dục thời gian qua, đặc biệt liên quan sát sườn tới kỳ thi THPT quốc gia?
- Những người làm công tác giáo dục đều có những lo lắng nhất định khi dịch bệnh đã tác động lớn tới đời sống xã hội. Nhớ lại 5 năm thời điểm chúng ta bắt đầu bỏ kỳ thi tuyển đại học bằng kỳ thi THPT quốc gia. Thời điểm ấy, đã có những hoài nghi về sự thành công. Tuy vậy, thực tế đã chứng minh, đó là một bước ngoặt đúng đắn. Hàng nghìn tỷ đồng đã tiết kiệm được khi cả triệu học sinh không phải lăn lộn, vất vả rời quê tới Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh để tham gia các cuộc thi tuyển sinh. Quay trở lại với giai đoạn vừa qua, khi đối mặt với dịch bệnh, ngành giáo dục đã ứng biến linh hoạt, với sự điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học, thời gian thi THPT quốc gia hay chuyển hướng dạy trực tuyến, trên truyền hình. Như vậy, có thể khẳng định, dù ở hoàn cảnh nào, ngành giáo dục đã thể hiện sự linh hoạt, chủ động trong quản lý, đào tạo.
Bên cạnh phương án xét học bạ, đã có trường đại học tính đến phương án mở kỳ thi tuyển sinh riêng, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Với trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc mở kỳ thi tuyển sinh riêng không khó. Ngay từ những năm 2013, nhà trường đã có đề án thi tuyển riêng và đến năm 2017, đề án này một lần nữa được nhắc đến. Hiện tại, Phòng Quản lý đào tạo đã có các phương án sơ bộ để tổ chức tuyển sinh trong tình huống không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Với quan điểm của trường Kinh tế Quốc dân, quan trọng là quyền lợi thí sinh, lợi ích xã hội được đảm bảo. Chúng tôi không quan tâm nhiều tới tuyển đủ mà là tuyển đúng với những yêu cầu về chất lượng, phù hợp với tiêu chí của nhà trường cũng như mục đích đào tạo.
Với 3 phương án có thể được dùng đến khi không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, gồm xét học bạ, tổ chức thi tuyển riêng theo từng trường và kết hợp các phương án xét học bạ cùng thi tuyển riêng và kèm theo các tiêu chí cá biệt, ông nghiêng về phương án nào?
- Tôi vẫn mong muốn một kỳ thi THPT quốc gia, sẽ là đầy đủ, chính xác nhất, thể hiện tính ổn định trong 5 năm qua. Còn trường hợp bất khả kháng, có lẽ nên kết hợp tổng hòa các phương án để phù hợp với từng trường.
Xin cảm ơn ông!