Chất lượng không khí Hà Nội: Trong họa có phúc

Thương Huế - Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như hai năm trước, cứ đến độ tháng 3 tới giữa tháng 4 (thời điểm thời tiết miền Bắc giao mùa, thường xảy ra sương mù dày đặc), thông tin về chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội luôn làm dậy sóng cộng đồng vì mức độ cảnh báo ô nhiễm ảnh hưởng sức khỏe người dân, thì năm nay đã có những bước lội ngược dòng ngoạn mục.

Xoay quanh vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, đây thực sự là thời điểm thích hợp để chúng ta có cái nhìn rõ nhất về nguyên nhân gây chủ yếu ảnh hưởng tới chất lượng không khí (CLKK) của Hà Nội. Từ đó, giúp TP đưa ra những quyết sách phù hợp nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Cải thiện rõ rệt
Theo ông Phạm Hải Dương - chuyên viên Trung tâm Quản lý điều hành dữ liệu quan trắc môi trường Hà Nội, từ khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội tránh đại dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, TP Hà Nội yêu cầu tạm dừng tất cả các công trình xây dựng, cán bộ công chức, viên chức làm việc online, người dân hạn chế ra đường nếu không có việc cấp bách, đường phố Hà Nội thông thoáng, phát thải gây ô nhiễm môi trường đã giảm đáng kể, CLKK Hà Nội vì thế đã có chuyển biến rõ rệt.
Đường phố Hà Nội vắng vẻ bất thường do dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Hùng
Kết quả quan trắc tự động tại nhiều trạm nền đô thị hay trạm nền giao thông của Hà Nội đều cho thấy, trong tuần đầu thực hiện Chỉ thị nồng độ PM2.5 giảm xuống 22 - 25% so với 7 ngày trước đó, chỉ số CLKK thường xuyên duy trì ở mức tốt như ngày 1/4 (5/10 trạm), ngày 4/4 (7/10) trạm, đặc biệt là ngày 5/4 đạt mức tuyệt đối (10/10 trạm).
Những ngày, thời tiết sương mù, nhiều mây hạn chế đối lưu không khí, chỉ số AQI dù xuất hiện ở mức kém nhưng không có xấu như trước đây, cụ thể ngày 3/4, AQI dao động từ 107 - 141. Duy có buổi sáng 8 và 9/4, do lưu lượng người tham gia giao thông tăng đột biến so với mấy ngày trước đó, cộng với sương mù đặc quánh, trưa có hửng nắng nên AQI lại chạm mức xấu.
So sánh tỷ lệ AQI vào thời điểm quý I trong 3 năm liên tiếp 2018, 2019 và 2020, ông Dương cho biết, năm 2020 chỉ số AQI đạt mức tốt chiếm tỷ lệ cao nhất trong 3 năm (với từ 12 - 18% số ngày chỉ số CLKK tốt). Trong khi đó, năm 2019, các trạm giao thông như Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, tỷ lệ những ngày ở mức tốt chỉ đạt 1,1%.
Năm 2018 có tỷ lệ thấp nhất khi 4/10 trạm quan trắc đều không có ngày nào CLKK ở mức tốt, các trạm khác có tỷ lệ không cao, dao động từ 3 - 9% số ngày tốt trong quý. "Tuy nhiên, vào tháng đầu tiên của quý I năm nay - tức vào tháng giáp Tết Nguyên đán, chỉ số AQI nhiều khu vực trong nhiều ngày ở mức xấu và kém.
Nguyên nhân một phần do thời tiết nhưng phần nhiều do thời gian này lưu lượng tham gia giao thông trên đại bàn TP quá cao, cùng đó các công trình xây dựng lại gấp rút tiến độ, hoạt động sản xuất khác cũng tăng cường nhiều hơn nên ảnh hưởng trực tiếp tới CLKK" - ông Dương chia sẻ.
Rủi và may
Xoay quanh vấn đề này, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhìn nhận, Thủ đô Hà Nội đang trong những ngày không khí trong lành nhất một năm trở lại đây.
“Điều đó chứng tỏ, những gì mà chúng ta đã bàn luận suốt thời gian qua về nguyên nhân nguồn phát thải của Hà Nội hay của các TP lớn gây ra ô nhiễm không khí là rất đúng. Nguồn cơ bản nhất vẫn là phát thải từ phương tiện giao thông, công trình xây dựng và hoạt động sản xuất” - GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nói. Ông cho rằng, đây là cơ hội để Hà Nội có đánh giá chuẩn xác hơn để đưa ra những quyết sách phù hợp cải thiện CLKK.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục quản lý Môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lại khá thẳng thắn khi nhìn nhận ở góc độ tích cực của “họa” và “phúc”.
Theo ông, trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (tức họa - PV) và đang thực hiện cách ly xã hội, có những điều nếu để ý ta sẽ cảm nhận được. Một trong những mầm mống của cái phúc đó là không khí Hà Nội đã trở lại trong lành; chỉ số AQI không còn thấy xuất hiện nhiều màu cam hoặc đỏ như trước đó, mà chủ yếu là màu xanh hoặc màu vàng nhạt.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 giúp chính quyền TP cùng các cơ quan chức năng nhìn nhận một cách rõ nét nhất về bức tranh CLKK của Thủ đô. Qua đó, cần tiến hành nghiên cứu khảo sát ngay để xác định lại nguồn ô nhiễm chính, chấm dứt những cuộc tranh cãi triền miên giữa những người quản lý đô thị và các nhà khoa học về nguyên nhân của ô nhiễm không khí Hà Nội.
“Các chỉ số ô nhiễm không khí liên quan đến các phương tiện giao thông vận tải, công trình xây dựng đều giảm mạnh trong những ngày này. Vậy, nếu Hà Nội giải quyết được vấn đề ô nhiễm không khí do xe cộ mà đặc biệt là xe máy - chiếm 95% phương tiện giao thông, chỉ tiêu thụ 56% lượng xăng nhưng lại thải ra 94% khí HC, 87% CO và 57% NOx trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới; kiểm soát chặt và tăng mức xử phạt các vi phạm về xây dựng, vận chuyển vật liệu xây dựng,… thì Hà Nội lại trở lại trong lành” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định.

Cuối tháng 12/2019, trước tình hình ô nhiễm không khí đang có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị số 19/CT - UBND về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn. Theo đó, Chủ tịch TP yêu cầu các sở, ngành và chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp cấp bách, quyết liệt để giảm thiểu nguồn phát sinh khí thải độc hại, bụi mịn tác động tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TP.


"Làm chính sách thì phải chấp nhận những ý kiến phản biện, không thể có 100% ủng hộ. Cái này cần sự bản lĩnh của người làm chính sách. Tôi còn nhớ, quy định người tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm cũng từng có không ít ý kiến phản đối nhưng Nhà nước vẫn quyết thực hiện và thực hiện hiệu quả, vì chính sách đúng - bảo vệ tính mạng cho người tham gia giao thông. Thế nên, trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí cũng vậy, rất cần sự quyết liệt của những người làm chính sách và người đứng đầu TP" - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần