Chất lượng là yếu tố quyết định cả dự án

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây chục năm, có tiền chưa chắc đã mua được nhà. Bởi, cầu vượt cung, hàng chưa ra đã cạn. Tuy nhiên, hiện tại “gió đã đảo chiều” khi DN BĐS “cuống quýt” cạnh tranh từng tỷ lệ nhỏ % người mua nhà.

Ông Nguyễn Thành Tiến - chuyên gia đào tạo BĐS
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Tiến - chuyên gia đào tạo BĐS cho rằng, chất lượng là yếu tố quyết định cả dự án, không đánh đổi được.

Thời thế thay đổi, cảnh tượng người mua nhà chen lấn ở các sàn giao dịch đang được thay thế bằng hình ảnh nhiều “cò” BĐS xếp hàng giới thiệu dự án ngay chân công trường. Ông nhận định sao về thực tế trên?

- Thời điểm năm 2010 – khi thị trường BĐS ở đỉnh cao, cảnh hàng trăm người mua nhà chen lấn “giành” một suất căn hộ diễn ra như cơm bữa. Để có thể mua, họ chấp nhận đặt cọc 100 - 200 triệu đồng chi trả cho những khoản chênh, cò, môi giới, chỉ trỏ. Sau đó, mới được tiến hành bốc thăm quyền mua căn hộ. Rất nhiều khách hàng túc trực cả tuần cũng không may mắn được mua một căn. Tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh giành diễn ra hàng ngày ở sàn giao dịch. Chủ đầu tư giai đoạn này chẳng khác nào… thượng đế.

Tuy nhiên, khi bong bóng BĐS vỡ, vị thế dần quay trở lại đúng quỹ đạo. Khách hàng hiện tại luôn ở vị trí trung tâm, được chăm sóc ngay tại… công trường dự án. Giống như những thăng trầm mà BĐS đã trải qua, tất cả các DN BĐS đều đang bước ra với những vết thương cùng với nhiều bài học lớn. Lớn nhất chính là việc thiết lập lại vai trò chính yếu của khách hàng. Tuy nhiên, cũng giống như hàng loạt các chiêu thức được các sàn phân phối BĐS thực hiện trước đó, cái gì quá cũng không nên. Việc tập trung quá đông trước các công trường dự án đôi khi hóa “lợi bất cập hại”.

Ông có thể phân tích sâu hơn “lợi bất cập hại” ở đây cụ thể là gì?

- Trước khi phát sinh ra chiêu thức “bám” công trường tìm khách, đội ngũ nhân viên kinh doanh, chủ đầu tư ưa chuộng việc quảng bá qua điện thoại, email. Tuy nhiên, với sự đeo bám đến mức phiền hà, đã tạo nên sự phẫn nộ của số đông khách hàng. Từ đó dẫn tới việc, các nhà mạng vào cuộc, chặn hàng triệu tin nhắn quảng cáo và khóa hàng chục nghìn thuê bao rác của các môi giới. Liên hệ tới câu chuyện hàng chục sale tập trung ở công trường cũng tương tự. Hầu hết, họ đều trang bị “đồ nghề” là các bộ bàn ghế nhựa hoặc ghế gập được bố trí trên các vỉa hè có diện tích nhỏ, hẹp. Giờ cao điểm, việc chèo kéo, đu bám khách hàng của đội ngũ này khiến giao thông khu vực dự án ùn tắc, gây mất an toàn giao thông. Số lượng người tham gia giao thông qua khu vực dự án vì thế không tránh khỏi sự khó chịu do bị cản tầm nhìn. Về lâu dài, nếu tiếp tục duy trì cảnh tượng trên, chính quyền sở tại sẽ ra quân dẹp các “cò” đất. Bởi, thực tế việc trưng bày bàn ghế, xe cộ tràn lan trên vỉa hè là vi phạm pháp luật.

Nói một cách nôm na, việc dùng đủ các chiêu thức để kích cầu thể hiện sự năng động của nhiều DN. Tuy nhiên, quảng cáo chỉ là thứ yếu, còn chất lượng mới là yếu tố tiên quyết?

- Chính xác là như vậy. Môi giới có thể “dỗ ngọt” để câu kéo khách hàng ký hợp đồng mua bán. Song, khi nhận nhà bị vỡ mộng, người mua nhà khiếu kiện, tranh chấp cũng tiêu tốn không ít tiền bạc, thời gian của chủ đầu tư. Do đó, chủ đầu tư phải cam kết được về chất lượng và tiến độ thi công mới có thể giữ được khách hàng. Tại các dự án dù được tiếp thị hình ảnh kỹ càng mà xây ẩu để kịp nguồn cung, chú trọng tới lợi nhuận, xem nhẹ yếu tố môi trường, xã hội sẽ bị đào thải.

Chất lượng là yếu tố quyết định cả dự án, không đánh đổi được. Nhưng vai trò của các kênh quảng cáo cũng cần được đánh giá đúng đắn. Một dự án được cho là thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào kế hoạch marketing. Giờ đây khách hàng có quá nhiều sự lựa chọn, nên các chủ đầu tư ngoài việc nâng chất lượng dự án thì phải có ý tưởng marketing mới, đúng quy định pháp luật nhằm tạo sự khác biệt cho sản phẩm để bán được hàng.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần