Chất lượng nước sinh hoạt tại các chung cư: Chưa dứt nỗi lo

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nỗi lo thiếu nước trong mùa Hè còn chưa dứt, thì hàng nghìn hộ dân sống tại các chung cư ở Hà Nội còn thêm khổ khi nước sinh hoạt chưa đảm bảo chất lượng.

 Để cải thiện tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần quy rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Loay hoay chống chọi với nước “bẩn”

Trong đơn kiến nghị gửi các ngành chức năng, cư dân hai tòa chung cư CT15 và CT16 KĐT mới Tứ Hiệp (Thanh Trì) cho biết, suốt 2 năm qua hàng trăm hộ dân phải sống chung với tình cảnh nước sinh hoạt bẩn. Nước xả ra từ vòi đầy cặn, có lúc đen như nước cống với giun, bọ gậy, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sức khỏe. Cư dân đã nhiều lần phản ánh với chủ đầu tư là Công ty CP Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí, song đều nhận được chỉ là những lời hứa hẹn khắc phục hoặc cái lắc đầu từ chối trả lời. Do đó, các hộ dân phải tự loay hoay tìm cách khắc phục bằng cách lắp các thiết bị lọc hay bịt vòi bằng nước bằng vải xô để lọc cặn.

Anh Lê Thanh Hưng - đại diện cư dân tòa CT15, CT16 cho biết, trước sự việc cư dân KĐT mới Tứ Hiệp phải sử dụng nước bẩn trong thời gian dài, ngày 19/4/2017, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 1845/UBND-TKBT yêu cầu các bên liên quan thực hiện ngay các biện pháp cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch theo quy định cho cư dân KĐT mới Tứ Hiệp. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tình trạng nước sinh hoạt nhiễm bẩn vẫn chưa được khắc phục tại các tòa chung cư này.
Người dân tại chung cư CT2X2 Bắc Linh Đàm phải tự xây cao miệng bể nước ngầm tại sân chung cư để tránh nước thải ngấm vào khi trời mưa ngập. Ảnh: Vũ Lê
Không chỉ có những chung cư bình dân, chung cư cũ xuống cấp chất lượng nước không đảm bảo mà ngay cả những chung cư cao cấp, người dân cũng đang khóc dở, mếu dở vì chất lượng nước. Đã 4 năm qua, cư dân ở khu chung cư Mulberry Lane (Hà Đông) sống trong nỗi lo lắng về chất lượng nước không đảm bảo. Cứ mỗi khi Hè đến, cư dân ở đây lại phản ánh về tình trạng nước sinh hoạt có màu đen, nhiều cặn. Dịp đầu mùa Hè năm nay, nhiều hộ dân sống ở tòa nhà cao cấp trên phát hoảng khi biết được nước đang sử dụng có màu vàng, đen, nhiều cặn, mùi tanh. Tại nhiều két xả bồn cầu, nước đen kịt một cách bất thường, tạo thành những lớp cặn dày. Để khắc phục tình trạng chất lượng nước sinh hoạt chưa đảm bảo, nhiều cư dân ở Mulberry Lane đã lắp đặt thiết bị lọc nước.

"Vấn đề ở đây thuộc về trách nhiệm của nhiều bên. Xét về vấn đề an sinh, trách nhiệm trước hết là của chính quyền địa phương. Bởi nước sạch là một trong những yếu tố quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Về mặt quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng không chỉ tăng cường kiểm tra chất lượng nước, mà việc giám sát các đơn vị cung nước có đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn cũng cần được tiến hành thường xuyên. Ở góc độ cư dân, những người đã bỏ tiền để sử dụng nước sạch mà phải dùng nước nhiễm bẩn trong thời gian dài thì hoàn toàn có quyền khởi kiện đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc cấp nước đến căn hộ." - Luật sư Bùi Quang Hưng – Văn phòng Luật sư BQH và cộng sự

Còn rất nhiều chung cư khác trên địa bàn Thủ đô, nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đơn cử, dự án Tân Tây Đô (Đan Phượng) được người dân phản ánh là hàm lượng asen trong nước vượt ngưỡng cho phép. Hay tại NƠ 7B - Bán đảo Linh Đàm (Hoàng Mai), nước sinh hoạt đã bị nước ở bể phốt tòa nhà bên cạnh ngấm vào, khiến cư dân hoang mang và vô cùng bức xúc. Khu nhà CT2X2 Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai) miệng bể nước sinh hoạt thấp bằng mặt sân chung cư, nên thường xuyên bị nước thải từ nhà hàng quán ăn xung quanh chảy ngấm vào khi có mưa lớn...

Cần quy rõ trách nhiệm

Có một thực tế hiện nay, nước sinh hoạt tại các chung cư, nhà cao tầng, khu đô thị trước khi cấp đến từng hộ dân đều được chứa tại các bể trung gian xây ngầm tại các tòa nhà. Vậy nên khi nước bị nhiễm bẩn, không đảm bảo chất lượng thì việc quy trách nhiệm cho các bên liên quan rất khó khăn. Các đơn vị cung cấp nước sạch đều cho rằng chỉ có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước đúng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đến đồng hồ tổng trước khi chảy vào hệ thống bể ngầm của chung cư, còn việc phân phối nước đến các hộ dân là trách nhiệm của chủ đầu tư. Phía chủ đầu tư, Ban quản lý chung cư lại cho rằng, chỉ biết mua nước của đơn vị cung cấp, khi nguồn cấp của các đơn vị nước sạch vào bể ngầm không đủ rất dễ gây ra hiện tượng nước đen, vẩn đục.

Điển hình như tại KĐT mới Tứ Hiệp, khi giải thích về tình trạng nước sinh hoạt nhiễm bẩn tại hai tòa CT15, CT16 thời gian qua, ông Phạm Duy Hưng – Quyền Giám đốc Công ty CP Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí cho rằng nguyên nhân là do nguồn cấp của Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàng Mai vào dự án yếu. Khi nguồn nước vào bể ngầm không đủ để hút cung cấp lên bể mái cho cư dân sử dụng sẽ làm cho các cặn bám trên bề mặt đường ống cấp nước bong ra, khi cấp nước trở lại gây ra hiện tượng nước sục vào đường ống cấp nước cuốn theo các cặn bám chảy vào các hộ dân.

Đây cũng là lý do chủ yếu được đưa ra khi xem xét trách nhiệm của các bên dẫn tới nước tại các chung cư bị nhiễm bẩn. Sau khi các đơn vị chức năng kiểm tra, yêu cầu khắc phục, các đơn vị này đều khẳng định sẽ sớm thực hiện các biện pháp để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn về cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những khu chung cư người dân phải sống chung với nước sinh hoạt không đảm bảo trong một thời gian dài. Lý giải nguyên nhân tình trạng trên, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, theo quy định hiện hành của TP, việc kiểm tra xử phạt chủ tòa nhà có nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng thuộc thẩm quyền của Sở Y tế Hà Nội, còn có cho đơn vị tiếp tục hoạt động hay không lại do Sở Xây dựng.

Trước thực trạng nguồn nước sinh hoạt tại nhiều tòa chung cư gây bức xúc cho người sử dụng, ngay từ đầu năm 2018, ngành y tế Thủ đô đã lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước uống, nước sinh hoạt tại 100% cơ sở cấp nước đang hoạt động. Tất nhiên, khi kiểm tra hầu hết các cơ sở cấp nước đều đảm bảo chất lượng. Nhưng trên thực tế, trong quá trình sử dụng, do yếu tố khách quan và chủ quan, nguồn nước chung cư lại không đảm bảo.

Điều này cho thấy, ngoài công tác thanh kiểm tra, việc thường xuyên giám sát của cơ quan chức năng, cụ thể ở đây là Sở Xây dựng, Sở Y tế, Công ty Nước sạch Hà Nội đối với việc thực thi trách nhiệm của các đơn vị cấp nước sạch chủ đầu tư, Ban quản lý các khu chung cư phải được sát sao hơn nữa. Đồng thời, quy trách nhiệm hay xử lý nghiêm đối với những chung cư có nguồn nước chưa đảm bảo đã đưa vào sử dụng. Có như vậy, người dân sống tại chung cư mới sớm thoát khỏi cảnh phải dùng nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng hàng ngày.