Toàn cảnh phiên chất vấn nhóm vấn đề quản lý dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai

Linh Tiên - Thái Thọ - Hùng Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên làm việc buổi sáng 9/7, các đại biểu HĐND TP chất vấn các thành viên UBND TP về nhóm vấn đề thứ nhất, tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật đất đai trên địa bàn TP.

Hôm nay (9/7), tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội dành trọn một ngày để chất vấn các thành viên UBND TP về một số nhóm vấn đề có tính thời sự, bức xúc, nổi cộm đang được đông đảo cử tri, nhân dân Thủ đô và dư luận quan tâm.
Dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương...
 Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại HĐND TP Hà Nội sáng 9/7
Chất vấn 3 nhóm vấn đề
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Thường trực HĐND TP đã chọn một số nhóm vấn đề gửi xin ý kiến đại biểu HĐND TP. Qua đó, các đại biểu đều mong muốn tái chất vấn 3 nội dung đã được HĐND TP chất vấn, giải trình tại các Kỳ họp trước nhằm tiếp tục xem xét nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, và có những giải pháp để thúc đẩy hiệu quả.
Ba nhóm nội dung chất vấn, đó là:
Nhóm vấn đề thứ nhất, tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật đất đai trên địa bàn TP. Đây là vấn đề khó, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng tài nguyên đất đai của TP, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân nên nhận được rất nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri. Vì vậy, HĐND TP tiếp tục tái chất vấn nhằm thúc đẩy thực hiện thông báo 18 của HĐND TP hiệu quả hơn.
Nhóm vấn đề thứ hai, liên quan đến nội dung thực hiện Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Đến nay, TP đã triển khai Đề án này 2 năm. Qua giám sát, mặc dù Đề án đã phát huy hiệu quả tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý phương tiện giao thông, từng bước phát triển vận tải hành khách công cộng, góp phần tạo bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại nhưng vẫn còn những nhiệm vụ cần phải thúc đẩy nhanh hơn. Vì vậy, sau 2 năm thực hiện Đề án thì việc chất vấn đề tìm ra giải pháp giải quyết những vấn đề bất cập là cần thiết.
Nhóm vấn đề thứ ba, liên quan đến nội dung công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Đây là nội dung được đặc biệt quan tâm. Thực trạng tình hình cháy nổ vẫn tiềm ẩn phức tạp, tuy giảm về số vụ nhưng vẫn xảy ra những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Việc chất vấn để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng nêu trên, tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng cháy chữa cháy là điều cần thiết.
 Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
“Việc chất vấn 3 nhóm vấn đề trên không chỉ đáp ứng yêu cầu của đại biểu mà còn đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân Thủ đô” – Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Trước khi các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông báo cáo tóm tắt về tình hình tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật đất đai trên địa bàn TP. 
Vì sao chưa xử lý được các dự án có quyết định thu hồi?
Bước vào phần chất vấn, ĐB Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm) đặt câu hỏi về việc, triển khai kết luận của Thường trực HĐND TP tại phiên giải trình tháng 8/2018, UBND TP đã ban hành kế hoạch số 173 ngày 5/9/2018 chỉ đạo Sở KH&ĐT phối hợp với Sở TN&MT và các sở ngành, quận huyện liên quan khẩn trương rà soát, dừng triển khai và chấm dứt hoạt động 47 dự án vi phạm. Đến nay, theo báo cáo của 2 sở cho thấy, đã dừng được 40/47 dự án, trong đó Sở KH&ĐT chấm dứt được 33/39 dự án thuộc trách nhiệm của Sở, Sở TN&MT thu hồi được 7/8 dự án thuộc trách nhiệm của Sở. Như vậy, còn 7 dự án chưa thực hiện thu hồi đất và thu hồi dự án, trong đó có 1 dự án được điều chỉnh kế hoạch để tiếp tục triển khai, tức là đến thời điểm tháng 6/2019 còn 6 dự án chưa thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thường trực HĐND TP và Chủ tịch UBND TP.
  ĐB Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm) đặt câu hỏi chất vấn
Các dự án này đều thuộc trách nhiệm của Giám đốc Sở KH&ĐT, nên đề nghị đồng chí cho biết nguyên nhân và bao giờ thực hiện xong việc dừng thực hiện đối với 4 dự án còn lại này?
ĐB Trần Vân Hoa (tổ Tây Hồ) chất vấn, qua giám sát, có 38/78 dự án vi phạm đất có quyết định thu hồi đất với diện tích 990,4 ha. Đến nay, còn 18 dự án chưa được thu hồi trên thực địa. Đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết kế hoạch xử lý của UBND TP đối với 18 dự án này thế nào? Bao giờ mới thu hồi? Lý do gì và rào cản nào khiến cho quyết định của TP không có hiệu lực? Phương án để giải quyết? 
ĐB Lê Vĩnh Sơn (tổ Đông Anh) đặt câu hỏi chất vấn Sở TN&MT còn 36 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung. Đề nghị Sở TN&MT cho biết nguyên nhân, làm rõ vấn đề trách nhiệm, và các biện pháp để xử lý tồn tại này?
 ĐB Lê Vĩnh Sơn (tổ Đông Anh) đặt câu hỏi chất vấn Sở TN&MT 

"Chủ đầu tư chây ì, chưa nghiêm túc thực hiện"

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tại báo cáo giải trình của UBND TP, trên cơ sở thông báo số 18 của HĐND TP, TP đã ban hành kế hoạch, giao rõ trách nhiệm cho các sở ngành. Sở KH&ĐT được giao nhiệm vụ rà soát lại 47 dự án mà Chủ tịch UBND TP có chỉ đạo giải trình. Trong đó, có 8 dự án nhà ở thuộc địa bàn huyện Mê Linh, giao Sở TN&MT chủ trì; còn 39 dự án giao Sở rà soát và tham mưu, xử lý. Trong 39 dự án, đến nay, có 33 dự án, Sở đã cùng các ngành, địa phương rà soát, báo cáo UBND TP, có hướng xử lý.

Qua quá trình rà soát, có dự án có tính pháp lý chưa đủ, một số sở ngành, địa phương chưa chủ động, nhiều chủ đầu tư chây ì, chưa nghiêm túc thực hiện, không báo cáo. Việc xử lý chậm tiến độ phải thực hiện đúng trình tự, xác định đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân gặp nhiều khó khăn do kéo dài, thay đổi chính sát đất đai, quy hoạch, chính sách GPMB. Vì vậy, để chấm dứt hoạt động của dự án, cũng cần phải cân nhắc, đối chiếu sai phạm, phù hợp quy định pháp luật để có cơ sở thu hồi, bởi một số dự án đang trong quá trình thanh tra, chờ kết luận thanh tra, có dự án chờ điều chỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên vẫn phải chờ kết quả cuối cùng.

 Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trả lời chất vấn

Do đó, phải rà soát các văn bản, kiến nghị các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn, giải quyết đồng bộ giữa các luật, giải quyết các dự án chuyển tiếp. Cùng đó, hoàn chỉnh các quy hoạch phân khu, đô thi, các quy hoạch chuẩn bị triển khai thực hiện; công bố các danh mục đầu tư; tăng cường thanh kiểm tra các dự án.

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông trả lời chất vấn cho biết, về 18 dự án vi phạm (như tại Ba Đình, Phú Xuyên, Hoài Đức…) mà TP đã có quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, các chủ đầu tư vi phạm việc bồi thường hỗ trợ theo quy định khi nhà nước thu hồi đất, khi rà soát lại cho thấy: Các trường họp này chậm thực hiện GPMB, các tổ chức không phối hợp, không kê khai kiểm đếm đo vẽ để Hội đồng GPMB quận huyện tiến hành GPMB, không cung cấp tài liệu, không bàn giao nhà xưởng…

Trước đây theo quy định của Luật Đất đai 2013, cấp nào có quyết định thu hồi đất thì cấp đó ra quyết định cưỡng chế, gây khó khăn cho các quận huyện trong tổ chức cưỡng chế vì việc ký quyết định cưỡng chế thuộc UBND TP. Đến 2017, Nghị định 01 của Chính phủ có quy định mới là việc ra quyết định này thuộc thẩm quyền UBND quận, huyện. Nên, Sở kiến nghị các quận huyên tổ chức GPMB với 18 dự án này, nếu chủ đầu tư không phối hợp thì tổ chức cưỡng chế theo quy định.

 Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông trả lời chất vấn

Với việc xác định nghĩa vụ tài chính với 26 dự án, Sở đã tổ chức thuê tư vấn, xác định nghĩa vụ tài chính với 23 dự án, chủ đầu tư đã nộp tiền theo quy định. Còn 3 dự án gồm: Bãi đỗ xe công cộng ở Phùng Khoang, đang đôn đốc GPMB; với dự án Công ty CP lắp máy ở Phú Thượng và dự án ở 275 Nguyễn Trãi (Công ty Hưng Việt), Sở đã thuê tư vấn, trong tuần tới sẽ triển khai.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện có dự án liên quan giải trình, làm rõ thêm vấn đề ĐB nêu. Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho biết: Có 2 dự án chậm thu hồi đất trên địa bàn quận là đều là dự án giao cho tập đoàn Ba Đình. Trong đó có dự án để xây dựng nhà ở cho công nhân viên. Tuy nhiên cử tri Ba Đình kiến nghị sử dụng đất đó để xây dựng trường học. Năm 2013, TP đã có quyết định thu hồi đất để xây dựng trường mầm non.

 Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình trả lời làm rõ thêm vấn đề ĐB nêu

Trong quá trình triển khai, Quận đang cùng các sở ngành tiếp tục tháo gỡ chính sách đối với tập đoàn Ba Đình. Hiện nay người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện phức tạp ở đây, cho nên dự án vẫn chưa thu hồi đất để xây dựng trường mầm non.

Còn Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết không có dự án nào trên địa bàn huyện chậm thu hồi đất.

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết trên địa bàn huyện đang có 3 dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa thể thực hiện. Trong đó có 2 dự án đang thực hiện theo quyết định Thanh tra TP, còn 1 dự án nữa đang gặp vướng mắc với chủ đầu tư.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bích Ngọc cho biết thêm: Theo giám sát của HĐND TP có 38/78 dự án có quyết định thu hồi nhưng chưa thực hiện theo quyết định. Chủ tịch HĐND TP đề nghị các sở ngành rà soát chính xác lại 18 dự án này để “đúng địa chỉ”, nếu không nắm được chính xác thì không thể giải quyết vướng mắc được.

Thanh  tra "bí mật" có vi phạm pháp luật không?

Tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Nguyễn Hồng Sơn (tổ đại biểu huyện Sóc Sơn) nêu vụ việc “kỳ lạ”. Theo ông Sơn, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 1526, thu hồi đất của một DN tại phường Yên Hoà, Cầu Giấy, nhưng theo khiếu nại của DN thì đơn vị không biết mà chỉ nghe nói có Quyết định này. Quyết định này bắt nguồn từ kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2017 về việc thực hiện dự án của DN. Kết luận nêu lên 3 vấn đề chính: DN chưa có biên bản bàn giao mặt bằng; chưa nộp ngân sách tiền sử dụng đất; chưa thực hiện đầu tư.

 ĐB Nguyễn Hồng Sơn (tổ đại biểu huyện Sóc Sơn) chất vấn 

Tuy nhiên, DN khẳng định, Thanh tra Nhà nước tiến hành thanh tra rất bí mật, không tiếp cận tìm hiểu hồ sơ, không làm việc với DN, và DN hoàn toàn không được biết về quá trình Thanh tra cũng như kết luận sai phạm. Ngay cả Quyết định thu hồi đất cũng rất bí mật, DN không được nhận. Đến khi DN đi làm thủ tục mới biết đất đã bị thu hồi. Thực tế, DN đã có biên bản bàn giao mặt bằng với Sở TN&MT; đã nộp tiền sử dụng đất đầy đủ, gần 20 tỷ đồng, có thời điểm còn nộp tạm thu theo yêu cầu của Cục Thuế. Thực chất DN đã được Sở Xây dựng cho phép triển khai, đã đầu tư xây dựng gần 50 tỷ đồng trên lô đất.

DN đã có đơn khiếu nại, TP giao Thanh tra TP xem xét lại trường hợp này. Thanh tra TP đã làm việc với DN, báo cáo tình hình và UBND TP đã có quyết định tạm ngừng thu hồi đất. Tuy nhiên từ 2017 đến nay DN không thể làm được gì với dự án.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn đặt vấn đề, theo quy định của pháp luật, Sở TN&MT phải tiến hành kiểm tra, thanh tra mới tham mưu cho TP thu hồi. Tuy nhiên Sở TN&MT không xuống làm việc với DN mà vẫn tham mưu như vậy, rất vô cảm, vô trách nhiệm.

“Việc tham mưu cho TP dựa trên cơ sở kết luận của Thanh tra Chính phủ, không gặp gỡ DN, có vi phạm pháp luật không? Khi nào Sở TN&MT có báo cáo trả lời rõ ràng với TP về vấn đề này?” – đại biểu Nguyễn Hồng Sơn chất vấn.

ĐB Hoàng Thị Tú Anh (tổ Đan Phượng) chất vấn, liên quan đến các dự án chưa được triển khai, theo báo cáo của UBND TP, hiện còn 65/89 dự án vi phạm nhưng chưa được khắc phục. Các dự án này đã được HĐND TP kiến nghị từ năm 2012, đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết quan điểm xử lý đối với các dự án trên, bao giờ xử lý xong các dự án này?

 ĐB Hoàng Thị Tú Anh (tổ Đan Phượng) đặt câu hỏi

Trong 65 dự án chậm triển khai chưa được khắc phục, vẫn đề nghị tiếp tục theo dõi, có dự án ở khu đô thị Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm). Đề nghị Sở TN&MT cho biết, đối chiếu với các quy định, dự án đã đủ điều kiện thu hồi chưa, và tại sao vẫn đưa vào danh sách tiếp tục theo dõi và theo dõi đến bao giờ?

Đại biểu Hồ Vân Nga nêu vấn đề, theo báo cáo của Giám đốc Sở TN&MT, Sở đã tiến hành thanh tra các dự án có dấu hiệu vi phạm và đã phải dừng 41 dự án do nhiều nguyên nhân, trong đó có 5 dự án báo cáo là không liên lạc được với chủ đầu tư (gồm dự án ở lô đất 13 KĐT mới Đại Kim Định Công - quận Hoàng Mai, dự án ở 75 Phương Mai - quận Đống Đa và 3 dự án ở huyện Thạch Thất). Theo quy định pháp luật, với những trường hợp nhà đầu tư không hợp tác thế này, theo Giám đốc Sở thì cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp xử lý thế nào, việc triển khai thiết lập hồ sơ xử lý xử phạt của Sở TN&MT với các dự án này tiến hành đến đâu - nếu chưa thì lý do, trách nhiệm các cơ quan liên quan ra sao, kể cả trách nhiệm của các quận huyện có dự án trên địa bàn, nhất là với các nhà đầu tư biến mất không có địa chỉ?

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (tổ Sơn Tây) cho rằng, vấn đề này đã xuyên qua 4 lần chất vấn và giải trình tại 2 nhiệm kỳ, cho thấy cử tri vẫn chưa hài lòng với khối lượng công việc mà các ngành đã tham mưu UBND TP thực hiện thời gian qua. Riêng tại Sơn Tây, có những dự án mà UBND thị xã đã báo cáo Sở TN&MT, Sở KH&ĐT và đoàn giám sát để rà soát và xác lập hồ sở giúp địa phương quản lý tốt hơn các dự án chậm triển khai, song thực tế công tác tổng hợp chưa đầy đủ. Điều này liên quan đến trách nhiệm xây dựng phần mềm theo dõi quản lý các dự án ngoài ngân sách, là một trong những giải pháp mà đoàn giám sát của HĐND TP đã kiến nghị 2 lần. Vậy Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Phần mềm này do Sở được giao thực hiện thì bao giờ xong, tránh việc Sở nêu các quận huyện cung cấp thông tin không đầy đủ, tính xác thực của các dự án; để các địa phương phối hợp và yên tâm trong tổng rà soát cacs dự án?

 Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (tổ Sơn Tây) chất vấn

Với Giám đốc Sở TN&MT, đại biểu Thanh Mai đặt vấn đề: Trong tổng số 50 dự án còn nợ 4.200 tỷ đồng, có 1 dự án kéo dài rất lâu tại Sơn Tây (từ năm 2008 được giao đất, 2009 xác định giá trị thu tiền sử dụng đất) là dự án tiểu khu nhà ở của Công ty Á Châu, đến nay mất khả năng thanh toán, đã được gia hạn do khó khăn từ năm 2012 theo Nghị quyết 13 của Chính phủ, cho thấy TP rất quan tâm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Nhưng cần khẳng định, dự án đến nay đã hết khả năng thanh toán: 3 lần Cục Thuế đã cưỡng chế tài khoản nhưng không có để thực hiện, đề nghị kê biên tài sản…, Công ty đã cam kết hết 2018 sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính; số nợ gốc phải chậm nộp đến nay lên tới 486 tỷ đồng, gấp 10 lần số tiền phải nộp và bằng đúng 1 năm dự toán thu ngân sách của thị xã Sơn Tây. Giám đốc Sở TN&MT được giao tham mưu cùng Cục Thuế từ năm 2017, đã họp nhiều lần nhưng đến nay chưa có kết quả cuối cùng, vậy cần cho biết với những nhóm dự án này đến bao giờ xử lý dứt điểm được, để cử tri giám sát với chính quyền về việc những dự án nợ đọng tài chính thì phải thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ của địa phương và đóng góp cho TP?

"Sở không có thẩm quyền đi thanh tra lại kết luận của Thanh tra Chính phủ"

Trả lời chất vấn vấn về vấn đề "thanh tra bí mật", Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, dự án được TP cho thuê đất từ năm 2004, năm 2008 đã bàn giao đất nhưng đơn vị chưa thực hiện xây dựng. Năm 2011, Thanh tra Bộ TN&MT đã thanh tra và gia hạn cho dự án thêm 6 tháng nhưng vẫn chậm thực hiện. Năm 2017, Thanh tra Chính phủ có thanh tra các dự án chậm trên địa bàn TP và ra kết luận thu hồi đất. Trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu cho TP thu hồi đất giao cho DN. “Sở không có thẩm quyền đi thanh tra lại kết luận của Thanh tra Chính phủ mà chỉ thực hiện. Hiện TP đang giao Sở xem xét khiếu nại của DN. Khi có kết luận về vấn đề này sẽ thông báo” – Lãnh đạo Sở TN&MT bày tỏ.

Tái chất vấn, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, mình không đặt vấn đề Sở TN&MT thanh tra lại kết luận của Thanh tra Chính phủ; mà chỉ khẳng định rằng Sở TN&MT khi tham mưu cho TP phải xem xét lại vấn đề một cách toàn diện, cụ thể. 

ĐB cho rằng, khi bàn giao mặt bằng phải làm lại hợp đồng thuê đất, nhưng từ thời điểm bản giao năm 2004, đến năm 2011 Sở TN&MT mới có quyết định giao đất, cho thực hiện dự án, mà quyết định này cũng sai, cho đến 2015 mới phát hiện và phải ra một Quyết định khác để sửa đổi. Câu hỏi cuối cùng đại biểu Nguyễn Hồng Sơn đặt ra là: “Khi nào Sở TN&MT mới tổng hợp xong vấn đề, báo cáo TP xem xét lại trường hợp này?”

"Khó thực hiện những biện pháp khác vì còn liên quan đến người lao động"

Trả lời chất vấn của đại biểu Hồ Vân Nga, ông Nguyễn Trọng Đông cho rằng, không có quy định xử phạt hành chính đối với các hành động cản trở công tác Thanh tra, kiểm tra. Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan gửi thông báo cho DN. Nếu chậm triển khai sẽ tham mưu cho TP thu hồi đất.

Đối với dự án khu nhà ở Đồi Dền do Công ty Á Châu làm chủ đầu tư, ông Nguyễn Trọng Đông cho hay, đã xây dựng được 5 căn nhà nhưng mới nộp ngân sách được 48 tỷ đồng, tổng số tiền nợ gốc lãi của DN hiện đã lên đến 486 tỷ đồng, DN không còn khả năng thanh toán. Do đó, DN đã kiến nghị với TP chấp hành bị thu hồi lại đất, chỉ đề xuất được sử dụng phần đất tương ứng với số tiền đã nộp.

Về 65 dự án chậm triển khai quá lâu đại biểu Tú Anh kiến nghị, ông Nguyễn Trọng Đông cho hay, 59 dự án đang khắc phục, triển khai xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng… Còn 6 dự án không khắc phục thì 5 dự án Sở đã tham mưu TP cho thu hồi đất; 1 dự án cho gia hạn thực hiện.

Trả lời những nội dung các ĐB quan tâm, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết: Liên quan đến 80 dự án đã giao đất sau đó điều chỉnh quy hoạch. Trong đó có 21 dự án đã hoàn chỉnh nghĩa vụ tài chính, 59 dự án nợ tiền thuê đất. Đến nay chỉ còn 4 dự án nợ tiền thuê đất.

 Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn trả lời những vấn đề ĐB quan tâm

Đối với 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, TP đã có văn bản chỉ đạo chi tiết chỉ đạo cục Thuế phối hợp với các sở ngành liên quan, phân loại các dự án này để có những biện pháp xử lý cụ thể.

Qua đó, có 27 dự án thuộc nhóm có nợ tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp với tổng nợ 1963 tỷ. Trong đó có nhóm nợ khó thu, có vi phạm pháp luật; và nhóm nợ chờ xử lý.

Nhóm dự án có khả năng thu là 20 dự án với 1264 tỷ đồng. Tuy nhiên theo đánh giá của Cục, thực tế là rất khó thu bởi có những DN có tuổi nợ lên đến 10 năm, trung bình từ 5 năm trở lên. TP đã chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với các cơ quan chủ quản để đôn đốc nghĩa vụ tài chính. Đồng thời TP cũng chỉ đạo không có chủ trương đầu tư, cũng không giao mới đối với các trường hợp này.

Một nhóm nữa là nhóm nợ chưa triển khai được gồm 3 dự án. Mặc dù TP đã chỉ đạo tháo gỡ nhưng những DN này vẫn chưa thực hiện. Do doanh thu của các DN này rất thấp nên việc trả nợ hết sức khó khăn. DN này vẫn đang tái cơ cấu nên thực tế TP cũng không thể thực hiện những biện pháp khác vì còn liên quan đến người lao động.

Qua đánh giá của Cục thuế, số tiền nợ từ 31/12/2015 đến 30/6/2019 đã giảm một nửa. Đến nay, tổng nợ trên khả năng dự toán là 5,3%. Cục thuế Hà Nội đã tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng nên số nợ đã giảm rất lớn trong 4 năm qua. Tuy nhiên số nợ còn lại vẫn thấy có phần trách nhiệm của Cục thuế Hà Nội.

Trong thời gian tới, Cục sẽ cần quyết liệt hơn nữa trong phối hợp với sở ngành và tham mưu cho TP những giải pháp mạnh hơn. “Cục sẽ hoàn thành mục tiêu đưa số nợ thuế dưới 5% trong năm nay, cùng với đó tiếp tục duy trì các biện pháp công khai…” – Cục trưởng Cục Thuế nhấn mạnh.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng phần giải trình của Cục Thuế là chưa rõ. Đến nay, sang quý II/2019 mà vẫn còn 2/3 số lượng dự án nợ tiền đất, còn 59/80 dự án chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Giải trình làm rõ thêm, Cục trưởng Cục Thuế cho biết: Để có thể thu hồi được tiền nợ phải dựa trên dòng tiền của DN để đánh giá thực hiện đầy đủ quy định chưa, qua đó xác định những dự án phải quyết liệt đôn đốc hay phải tháo gỡ khó khăn cho DN. Cục Thuế khẳng định đã theo dõi sát dòng tiền DN để thu hồi.

Đến bao giờ mới có giải pháp?

Tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP (tổ Thạch Thất) cho rằng, qua giám sát và báo cáo của UBND TP, tình trạng vi phạm quy định đất đai trong việc triển khai các dự án rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân là mức xử phạt hành chính chưa đủ mức răn đe. Luật Thủ đô đã quy định, cho phép Hà Nội được quyền phạt gấp đôi, và UBND TP cũng được yêu cầu xây dựng nâng mức xử phạt cao lên. Đề nghị UBND TP cho biết sao chưa thực hiện, có vướng mắc gì không?

 ĐB Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP (tổ Thạch Thất)

ĐB Đoàn Việt Cường (tổ Mê Linh) đặt câu hỏi chất vấn, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 15, yêu cầu UBND TP chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc xây dựng quy trình rõ thời gian tiếp nhận, thời gian trả lời, hướng dẫn nhà đầu tư điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, việc này chưa thực hiện xong, nguyên nhân tại sao, bao giờ thực hiện xong?

ĐB Nguyễn Thanh Bình chất vấn, các dự án kéo dài, trong các phiên dải trình, các giám đốc sở có nói các dự án chậm 5-10 năm phải thu hồi, nhưng theo báo cáo của UBND TP trình bày, gia hạn 24 tháng với 23 dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng. Trong đó, có những dự án trên 10 năm, đã điều chỉnh tiến độ đến lần thứ 3. Xin hỏi Giám đốc sở, dựa trên cơ sở nào, Sở tham mưu cho TP cho phép gia hạn các dự án điều chỉnh đó?

ĐB Hồ Vân Nga lật lại vấn đề, liên quan đến các dự án không liên lạc được với chủ đầu tư, thực tế có những dự án đã được HĐND TP giám sát từ năm 2012 (gấp nhiều lần thời gian 24 tháng được gia hạn), nhưng đến nay Giám đốc Sở TN&MT vẫn nêu sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất có giải pháp. Vậy việc tiếp tục nghiên cứu này có đúng quy định không, và đến bao giờ thì có giải pháp? Dù Cục Thuế TP dù đã rất cố gắng đôn đốc nợ thuế, nhưng với những dự án nhà đầu tư cố tình chây ì, không có hoạt động để Cục có thể cưỡng chế thu được, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Các dự án này có thể được liệt vào diện đối tượng được quy định thuộc điểm G Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai hay không (quy định nếu người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục không chấp hành thì Nhà nước có quyền thu hồi diện tích đất đã giao hoặc cho thuê)? Và việc đề xuất với UBND TP thu hồi đất các dự án này thuộc trách nhiệm tham mưu của Sở nào?

ĐB Hoàng Thúy Hằng đặt câu hỏi đến Sở Quy hoạch Kiến trúc về việc, tháng 7/2018, UBND TP đã có rà soát, báo cáo có 64 dự án cần điều chỉnh quy hoạch chi tiết cho phù hợp với quy hoạch chung. Đề nghị Giám đốc SởQHKT cho biết, với nhiệm vụ được giao, Sở đã yêu cầu các nhà đầu tư triển khai thế nào, và kế hoạch tiến độ ra sao?

 ĐB Hoàng Thúy Hằng đặt câu hỏi chất vấn Sở Quy hoạch Kiến trúc 

Chậm điều chỉnh quy hoạch do năng lực của chủ đầu tư kém

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh trả lời câu hỏi của các đại biểu, liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch nhiều dự án chưa thực hiện được, có 40 dự án cần điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch chung; có những dự án nhà đầu tư đã xin rút. Hai dự án đã hoàn thành, 13 dự án đang thực hiện thủ tục điều chỉnh; 21 dự án nhà đầu tư không thực hiện điều chỉnh, chủ yếu do nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện; 25 dự án đang thực hiện điều chỉnh.

Lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc nhận định, có 4 nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm điều chỉnh các dự án. Trước tiên là do thay đổi, điều chỉnh quy hoạch chung và các phân khu trên địa bàn TP dẫn đến một số dự án không phù hợp quy hoạch thực tế. Bên cạnh đó, do Luật quy hoạch thay đổi, bỏ cấp phép quy hoạch, dẫn đến một số dự án bị chậm.

Mặt khác, ông Nguyễn Trúc Anh đánh giá, lý do chủ yếu dẫn đến chậm điều chỉnh quy hoạch là năng lực của chủ đầu tư kém, hoặc không hợp tác với Sở để thực hiện điều chỉnh.

“Về vấn đề hướng dẫn chi tiết cho DN thực hiện điều chỉnh quy hoạch; Sở đã có thông báo hướng dẫn; đã rà soát rút gọn quy trình; làm rõ quy trình trách nhiệm. Sở cũng đã ra quy chế quản lý, đánh giá ứng xử, trách nhiệm của cán bộ, để thực hiện nghiêm túc công tác hướng dẫn nhà đầu tư; số hoá thông tin quy hoạch để người dân đều có thể truy cập được” – ông Nguyễn Trúc Anh khẳng định.

 Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh trả lời chất vấn

Về trường hợp một dự án tại Phú Lãm, Hà Đông, được phê duyệt từ năm 2008, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc cho hay, trong quá trình làm quy hoạch chung Thủ đô, toàn bộ dự án đã được đưa vào khu vực cây xanh, công viên, thể dục thể thao nên không còn phù hợp để xây dựng. TP đã chỉ đạo các sở, ngành liên hệ với nhà đầu tư để giới thiệu địa điểm khác nhưng nhà đầu tư không chưa đồng thuận. Hiện TP vẫn đang chỉ đạo Sở và các đơn vị tiếp tục giải quyết trường hợp này.

Đảm bảo cao nhất quyền lợi của Nhân dân, của DN

Thay mặt UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng tiếp thu 16 câu hỏi đã nêu chất vấn và sẽ giao cho các sở ngành để trả lời, xử lý. Phó Chủ tịch cho biết, trong thời gian qua, công tác quản lý đất đai của nhà nước đã có những chuyển biến tích cực. TP đã xây dựng Kế hoạch 173 trong đó nêu cụ thể chi tiết các bước thực hiện. Đến tháng 3/2019, TP đã xây dựng Kế hoạch 61 bổ sung cho Kế hoạch 173. Thời gian qua, TP đã thu hồi 24 dự án với diện tích khoảng 1500 hecta; truy thu 80 dự án có sự điều chỉnh để thu về ngân sách hơn 1000 tỷ.

Về hướng xử lý, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho biết TP sẽ tập trung mục tiêu cao nhất là đưa các diện tích đất mà nhà nước đã phê duyệt đưa vào sử dụng, đảm bảo quyền lợi cao nhất quyền lợi của Nhân dân, của DN, rồi sau cùng mới là lợi ích của Nhà nước. TP cũng xử lý việc này trên tinh thần chỉ đạo tháo gỡ là chính, tạo điều kiện cho các DN. Đồng thời cũng cương quyết thu lại những dự án mà DN chây ì không thực hiện, vi phạm những quy định của Luật Đất đai nhưng không khắc phục.

Đối với dự án tại phường Yên Hoà, Cầu Giấy mà ĐB Sơn quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Sau nhiều vướng mắc từ năm 2004, dự án đã được giao đất từ năm 2008. Song DN chậm đưa vào sử dụng nên đến năm 2015 đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hiện, TP đang chấp hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với dự án này.

 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tiếp thu vấn đề đại biểu nêu và hướng khắc phục

Trên tinh thần đó, TP đã xây dựng kế hoạch để khắc phục toàn bộ kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong đó có dự án ở phường Yên Hòa, Cầu Giấy. Sở TNMT đã xuống lập biên bản vi phạm theo Luật Đất đai khi chậm 24 tháng theo quy định tổ chức thu hồi.

Tuy nhiên khi thu hồi xong theo Luật Đất đai, DN có khiếu nại lại quyết định của TP nên TP phải xử lý theo Luật khiếu nại tố cáo, TP có giao cho Thanh tra TP rà soát để trả lời cho DN với tinh thần tập trung tháo gỡ cho DN. Thanh tra TP với Thanh tra Chính phủ và thống nhất trước mắt tạm dừng để có những rà soát phối hợp với Bộ TNMT để có kết luận cuối cùng, trên cơ sở đúng các quy định của pháp luật.

Kiên quyết với chủ đầu tư cố tình vi phạm

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, qua các ý kiến cho thấy, sau một năm thực hiện kết luận của HĐND TP về chỉ đạo giải quyết tồn tại của những dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật, có thể thấy UBND TP rất cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bước đầu thu được kết quả tích cực.

UBND TP đã chỉ đạo rà soát mọi dự án ngoài ngân sách trên địa bàn, thanh tra 379 dự án mà HĐND TP đã kiến nghị, đang tiếp tục có kết luận cho từng dự án - đây là kết quả tích cực hơn rất nhiều so với những năm trước. UBND TP cũng đã rà soát, cho quyết định chấm dứt ngay 48 dự án có vi phạm, đến nay đã chấm dứt 33 dự án. Từ khi HĐND TP giám sát, TP đã thu hồi trên thực địa 20/38 dự án đã có quyết định, đưa ra khỏi danh sách những dự án vi phạm với 81/379 dự án, đạt 22%; xác định nghĩa vụ tài chính, bổ sung cho 23/26 dự án mà HĐND TP kiến nghị… Đáng hoan nghênh, Sở TN&MT công khai trên trang TTĐT mọi trường hợp vi phạm, đã tác động đến DN, được người dân theo dõi. “Đây là nỗ lực của UBND TP và các sở, ngành với một việc khó như vậy”, Chủ tịch HĐND TP nói.

Chủ tịch HĐND TP đề nghị TP đẩy mạnh lãnh đạo chỉ đạo, tăng phối hợp giữa các ngành, giải quyết khó khăn của từng DN có những loại hình dự án khác nhau. TP cần bám sát kết quả giám sát của HĐND TP, Kết luận 18 của phiên giải trình, Kế hoạch 173 của UBND TP để rà soát từng công việc, phân loại, phân công trách nhiệm giải quyết từng vấn đề trên tinh thần hỗ trợ các DN khắc phục; nhưng kiên quyết với những chủ đầu tư cố tình vi phạm, ảnh hưởng đến việc sử dụng tài nguyên đất đai của TP và đời sống người dân; kiên quyết không để vi phạm mới phát sinh. Các ĐB HĐND TP tiếp tục giám sát; từ nay đến cuối nhiệm kỳ sẽ có một phiên giải trình trở lại để theo đến cùng vấn đề HĐND TP đã kết luận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần