Chất vấn tại Quốc hội: Xử lý thế nào chủ đầu tư chung cư chiếm đoạt kinh phí bảo trì?

Công Thọ - Giang Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay 10/11, tại phiên chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời câu hỏi liên quan tới việc xử lý các chủ đầu tư chung cư chiếm đoạt kinh phí bảo trì.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, theo số liệu đến năm 2019, cả nước có khoảng 4.422 nhà chung cư, hơn 90% được quản lý vận hành an toàn, ổn định, gần 10% có tranh chấp và có vấn đề tồn tại, liên quan tới việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, chậm tổ chức ban quản trị, chậm bàn giao phí bảo trì và tranh chấp sử hữu chung-riêng, tranh chấp về một số vấn đề khác…

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội
Những việc này gây ra nhiều bức xúc trên truyền thông và dư luận. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị tăng cường quản lý nhà chung cư. Bộ cũng đã ban hành nhiều văn bản, bổ sung chế tài xử lý vi phạm hành chính và các địa phương cũng đã có nhiều cố gắng xử lý, Hà Nội đã chuyển nhiều vụ vi phạm cho các cơ quan điều tra xem xét, xử lý.
Đến nay, sau hàng loạt giải pháp, tình hình tranh chấp nhà chung cư đã giảm hẳn, tuy vẫn còn nhưng không còn điểm nóng gây bức xúc.Nguyên nhân là một số quy định pháp lý còn chưa thật đầy đủ, rõ ràng như cách tính diện tích căn hộ, logia; một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án và chưa quan tâm dịch vụ sau bán hàng. Một số hợp đồng mua bán căn hộ chưa tuân thủ đúng quy định, chưa rõ ràng, có tình trạng buông lỏng quản lý. Nhiều ban quản trị chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
Giải pháp sắp tới, Bộ đề xuất sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng, trong đó có vấn đề kinh phí bảo trì và quản trị nhà chung cư; sửa đổi Nghị định về xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần