Chặt vòi bạch tuộc của tín dụng đen

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, nhiều ổ nhóm hoạt động tín dụng đen lộng hành, gây bức xúc dư luận đã bị triệt phá. Từ những chuyên án này đã bóc trần thủ đoạn mới để lừa đảo, cuốn người dân trong vòng xoáy tín dụng đen.

Ngày càng tinh vi
Theo Công an TP Hà Nội, hoạt động tín dụng đen đang có xu hướng chuyển dịch ra ngoại ô, nơi nhiều người dân còn hiền lành, cả tin. Rộng hơn nữa, các nhóm tội phạm tín dụng đen khi bị răn đe, trấn áp mạnh tại các TP lớn, địa bàn trọng điểm đã tìm cách cấu kết, lập cơ sở hoạt động ngầm tại những vùng hẻo lánh hơn.
 Quảng cáo cho vay tín dụng tại một con phố ở Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Điển hình như Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa xóa một ổ nhóm đối tượng người Hải Phòng, thuê trọ tại TP Hà Tĩnh hoạt động tín dụng đen. Qua tài liệu điều tra cho thấy, trong gần 6 tháng hoạt động (từ tháng 6/2018), chỉ tính riêng cho vay “nóng” (lãi suất gần 200%/năm), các đối tượng đã kịp lừa khoảng 130 người dân trong khu vực. Trước đó, những đối tượng phạm tội khác người Hải Phòng đã bén rễ, lập cơ sở tín dụng đen tại TP Đắk Lắk và hàng trăm người dân tại địa phương đã là con nợ chịu lãi “cắt cổ” của nhóm này. Đáng chú ý, các đối tượng phạm tội đã dụ dỗ được 40 trường hợp là đồng bào dân tộc thiểu số vay gần 1 tỷ đồng với lãi suất trung bình khoảng 360%/năm…

Điểm chung của ổ, nhóm tín dụng đen nêu trên đều là những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự. Chúng thuê người rải hàng nghìn tờ rơi quảng cáo cho vay tín chấp, giải ngân nhanh… nhưng không đề cập nhiều đến mức lãi suất. Người dân tiếp cận, đối tượng tiếp xúc cho vay tiền mới khéo léo gài bẫy bằng những hợp đồng mua bán tài sản, vay tiền mua nhà… Người dân đã trót vay tiền một thời gian mới bật ngửa khi được thông báo mức lãi suất “cắt cổ”. Nếu không chi trả, những hợp đồng tưởng chừng vô hại này chính là chiếc thòng lọng vô hình, siết chặt người dân vào căn cứ pháp lý và bản chất bị hại của họ chỉ trong tích tắc biến thành người vi phạm pháp luật.

Điểm chung nữa và cũng là bản chất của tội phạm được phơi bày khi cơ quan công an thu giữ của những ổ, nhóm tín dụng đen vô số dao, kiếm, thậm chí là súng quân dụng. Đây là những công cụ hành nghề để đe doạ, gây sát thương với bất cứ ai không trả tiền lãi theo yêu cầu của các đối tượng.

Tội phạm “cổ cồn” tham gia

Thông qua chuyên án triệt phá hệ thống tín dụng đen hoạt động rộng khắp 63 tỉnh, thành do đối tượng Nguyễn Đức Thành cầm đầu, Công an tỉnh Thanh Hóa cảnh báo người dân đề cao cảnh giác trước chuyển biến chuyên nghiệp của loại hình tội phạm này. Phương thức, thủ đoạn phạm tội của Thành và đồng bọn có nhiều điểm khác biệt, ngụy trang khéo léo tạo tin tưởng ban đầu cho người dân đến giao dịch để rồi sa bẫy.

Đối tượng Thành tốt nghiệp đại học, rất ham hiểu luật pháp nên đã thiết lập cho mình một tổ chức phạm tội chuyên nghiệp, biết cách “ẩn mình” đối phó với cơ quan chức năng. Hoạt động cho vay lãi “cắt cổ” (cao nhất lên đến 365%/năm) nhưng hệ thống tội phạm này chỉ tuyển nhân viên chưa có tiền án, tiền sự và ưu tiên có bằng cấp. Đào tạo nhân viên, đối tượng Thành soạn thảo riêng một giáo trình hướng dẫn chi tiết các bước cho vay lãi từ cách tiếp cận khách hàng đến siết nợ và thực hiện mức đòi nợ theo kiểu leo thang.

Đặc biệt, đối tượng Thành không quên hướng dẫn nhân viên cách biến mình thành người bị hại hoặc nhân chứng để đối phó với cơ quan công an khi phát sinh mâu thuẫn. Ràng buộc và cũng là cách giữ kín thông tin phạm tội, “ông trùm” Thành buộc các nhân viên trước khi đi làm phải đặt cọc tiền (50 - 100 triệu đồng). Sự ma mãnh này đã biến không ít nhân viên không thể rút lui khỏi hệ thống tội phạm. Bằng các thủ đoạn trên, chỉ hơn một năm hoạt động (9/2017 - 11/2018), từ khoảng 10 tỷ đồng góp vốn, số tiền hệ thống tội phạm đang luân chuyển lên đến hơn 500 tỷ đồng trước khi bị cơ quan công an triệt phá…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần