Châu Á chủ động trước đợt tăng lãi suất mới của FED

Phương Dung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà phân tích kinh tế nhận định một cách lạc quan rằng các thị trường trong khu vực châu Á dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho đợt điều chỉnh mới này của FED.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất lần thứ 3 trong 6 tháng khi kết thúc cuộc họp vào ngày 14/6. Theo Bloomberg, thời gian thắt chặt tiền tệ kéo dài của FED có thể khiến thị trường châu Á lo lắng. Tuy nhiên, các nhà phân tích kinh tế nhận định một cách lạc quan rằng các thị trường trong khu vực dường như đã chuẩn bị sẵn sàng cho đợt điều chỉnh mới này.
Trung Quốc hiện có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, với lượng dự trữ tăng 24,3 tỷ USD lên 3.054 tỷ USD trong tháng 5/2017. 
Nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới tăng trưởng và áp lực tăng lãi suất từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ, nhiều ngân hàng trung ương châu Á đang tái xây dựng dự trữ ngoại hối trong khi các cơ quan tiền tệ chuẩn bị tinh thần cho đợt điều chỉnh lãi suất này.
Trung Quốc đang dẫn đầu xu hướng tăng dự trữ ngoại hối khi tiếp tục mua trái phiếu Mỹ. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, với lượng dự trữ tăng 24,3 tỷ USD lên 3.054 tỷ USD trong tháng 5.
Tại Malaysia, IndonesiaSingapore dự trữ ngoại hối cũng tăng đáng kể. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Ấn Độ ghi nhận mức cao kỷ lục, nhờ nguồn vốn đầu tư lớn chảy vào thị trường chứng khoán của quốc gia này. Ông Frederic Neumannn - Giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC ở Hồng Kông đưa ra nhận định rằng châu Á đang củng cố công cụ phòng thủ nền kinh tế của mình. "Điều này tạo ra sự hỗ trợ lớn cho các lãnh đạo ngân hàng trung ương để đương đầu với bất kỳ biến động nào trong những tháng sắp tới, khi FED thắt chặt chính sách tài chính nhiều hơn dự báo", ông Neumannn nói.
Việc FED nâng lãi suất có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các nước châu Á vì dòng vốn bị thu hút đến Mỹ nhờ lợi suất cao hơn, gây ra biến động trên thị trường tài chính, thúc đẩy chi phí đi vay trong khu vực.
Tuy nhiên, tăng trưởng trên toàn khu vực vẫn khởi sắc, phần lớn là nhờ kinh tế Trung Quốc tiếp tục thể hiện tốt hơn so với dự báo trước đó. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc và Ấn Độ đang ở ngưỡng cao nhất trong nhiều năm qua. Theo ông Bejoy Das Gupta, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Viện Tài chính Quốc tế, khu vực đang hưởng lợi từ triển vọng tăng trưởng tốt hơn, các nguyên tắc cơ bản vĩ mô vững chắc, cải cách có tiến bộ, tình hình bên ngoài thuận lợi và tình hình chính trị trong nước ổn định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần