Châu Á nỗ lực cứu thương mại tự do

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế thế giới đang đứng trước các yếu tố từ "ông lớn" phương Tây, đặt ra sự thay đổi căn bản với quy mô và mức độ chưa từng có.

Tham vọng của Trung Quốc
Với chủ đề Nhìn thẳng vào tương lai của toàn cầu hóa và tự do thương mại, Diễn đàn châu Á Bác Ngoa (BFA 2017) tiến hành thảo luận tất cả các góc độ khác nhau của tình hình kinh tế thế giới và châu Á. Đặc biệt, xu hướng bảo hộ thương mại ngày một gia tăng, làn sóng chủ nghĩa dân túy, phản đối liên kết khu vực và toàn cầu hóa thể hiện rõ nét nhất qua việc Anh tách khỏi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

 Diễn đàn BFA 2017 tại Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra là cần sự dẫn dắt xu thế toàn cầu hóa từ một nền kinh tế lớn. Ông Kent Calder - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á Reischauer cho biết, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, câu hỏi đặt ra cho nền kinh tế thế giới là ai sẽ là chất ổn định chính cho nền kinh tế thế giới.
Việc đề cao chủ đề “toàn cầu hóa” tại BFA 2017 cho thấy Trung Quốc không hề che giấu tham vọng trở thành nước đi tiên phong trong tiến trình toàn cầu hóa. Sự ra đời của AIIB (Ngân hàng Đầu tư cơ sở châu Á) và sáng kiến ​​Một vành đai - Một con đường của Trung Quốc chính là các công cụ nhằm mở đường cho bước tiến của người khổng lồ Đông Á vào vị trí hàng đầu thế giới. Tổng Thư ký Diễn đàn BFA 2017 Chu Văn Trọng khẳng định: “Toàn cầu hoá là một xu hướng lịch sử và là quy luật phát triển kinh tế vượt ra ngoài ý chí của con người. Đằng sau những lời chỉ trích về toàn cầu hóa thực chất là phân phối lợi ích không công bằng”.
Thúc đẩy nhóm DN vừa và nhỏ
BFA 2017 thảo luận bốn nội dung xoay quanh chủ đề chính là toàn cầu hóa, tăng trưởng, cải cách và tiến bộ công nghệ. Trong đó, chủ đề toàn cầu hóa đã được nước chủ nhà thúc đẩy như một trong những tâm điểm thảo luận. Khái niệm toàn cầu hóa được mở rộng hơn, bao hàm hơn trong đó nhấn mạnh đến việc tạo lợi ích cho các nhóm dân cư bị thiệt thòi hoặc bị ảnh hưởng bởi quá trình này. 
Ngoài ra, vấn đề kích thích tăng trưởng thông qua cách tiếp cận đa chiều cũng được xem ưu tiên cấp bách. Đặc biệt, các sáng kiến, ý tưởng mới, góc nhìn mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ, tài khóa, DN vừa và nhỏ, cũng như kích thích đầu tư khu vực tư nhân được xem là ưu tiên hàng đầu. Một nội dung quan trọng cũng được các đại biểu đề cao là vai trò của DN và tiến bộ công nghệ trong quá trình phát triển. Các DN được khuyến khích áp dụng tiến bộ công nghệ  và tiên phong nghiên cứu, chia sẻ các công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, tài chính kỹ thuật số và công nghệ trực tuyến.
Là một trong những thành viên sáng lập của Diễn đàn, Việt Nam đã nhiều lần tham dự Hội nghị thường niên BFA ở cấp Chính phủ và có nhiều đóng góp cho các kỳ Hội nghị. BFA 2017 là dịp thuận lợi để Việt Nam tìm hiểu, trao đổi về cơ hội, thách thức và tìm ra giải pháp cho việc phát triển và hội nhập kinh tế khu vực cũng như thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần