Châu Á đối mặt với nguy cơ "già trước khi giàu"

Phương Dung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hàng chục năm qua, khu vực châu Á đã hưởng lợi rất lớn từ lực lượng dân số trẻ, nguồn lao động dồi dào, song tình trạng già hóa dân số hiện nay khiến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng “già trước khi giàu”.

Theo một báo cáo gần đây về viễn cảnh kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo, vấn đề già hóa dân số đang trở thành thách thức đối với các quốc gia đã và đang phát triển trong khu vực châu Á. Theo đó, tỷ lệ tăng trưởng dân số ở châu Á được dự kiến sẽ rơi xuống mức "zero" vào năm 2050. Đồng thời, số người trong độ tuổi lao động sẽ giảm sút mạnh trong vài thập niên tới. Số người từ 65 tuổi trở lên sẽ gia tăng nhanh chóng và được dự đoán tăng gấp gần 2,5 lần vào năm 2050 so với mức hiện tại.
Vấn đề già hóa dân số đang trở thành thách thức đối với các quốc gia trong khu vực châu Á. Ảnh: Getty.
Hiện các nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan đang phải đối mặt với nguy cơ già hóa dân số trong lực lượng lao động với tỷ lệ người cao tuổi phụ thuộc dự báo xếp vào hàng cao nhất thế giới tính đến năm 2050. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ tình trạng già hóa dân số, cả trong hiện tại và tương lai. Quốc gia này đã mất 7% lực lượng lao động trong vòng 2 thập kỷ qua.
Theo báo cáo của IMF, tình trạng già hóa dân số sẽ có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế tại châu Á và khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 0,1 điểm phần trăm trong vòng 3 thập niên tới. Con số này có thể lên đến 0,2 điểm phần trăm nếu các nước trong châu lục không giải quyết được tình trạng xói mòn lực lượng lao động.
Để đối phó với tình trạng già hóa dân số trên, lãnh đạo IMF cảnh báo các quốc gia châu Á nên nhìn vào kinh nghiệm của Nhật Bản và đối phó sớm trước những biến chuyển trong nhân khẩu học bằng các kế hoạch như thúc đẩy sự lao động của nữ giới và người cao tuổi, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội...
Vấn đề quan trọng hiện nay của chính phủ các nước là duy trì đà tăng trưởng năng suất, các nền kinh tế phát triển nên tập trung cho nghiên cứu và công nghệ, hướng đến công nghệ 4.0 trong khi các nước đang phát triển lại nên đầu tư cho giáo dục và cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh vấn đề già hóa dân số, việc tìm ra cách gia tăng năng suất lao động cũng là một trong những mối lo mà các nước khu vực châu Á phải đối mặt. Bởi, không thể giải quyết vấn đề trên cũng đồng nghĩa với việc khó tránh khỏi khả năng làn sóng đầu tư giảm, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng bị chi phối bởi ngành dịch vụ, và ảnh hưởng của thương mại nước ngoài. Do vậy, việc đảo ngược xu hướng này cần được đặt lên hàng đầu, tăng cường tự do hóa thương mại và chi tiêu hiệu quả hơn trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.