Châu Á vẫn là động lực tăng trưởng của thế giới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn ra trong hai ngày (13 - 14/1), Diễn đàn Tài chính châu Á lần thứ 7 với chủ đề "Châu Á: Động lực tăng trưởng cho thế giới" đã thu hút được sự tham gia của hơn 2.400 đại biểu là lãnh đạo doanh nghiệp và các quan chức chính phủ cấp cao từ khắp nơi trên thế giới.

 Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn dẫn đầu đã tham dự Diễn đàn.

Trong chương trình nghị sự dày đặc với các phiên thảo luận và xúc tiến đầu tư, các đại biểu tham gia diễn đàn đều nhất trí, châu Á đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Cùng chung quan điểm trên, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao cho rằng, bất chấp những thách thức trong ngắn hạn, châu Á sẽ tiếp tục giữ vai trò đi đầu trong nền kinh tế thế giới những thập niên tới. Theo ADB, kinh tế châu Á hiện mới chỉ chiếm gần 30% GDP toàn cầu, tăng so với tỷ trọng khoảng 20% GDP toàn cầu năm 1990, nhưng tới năm 2050 con số này sẽ được nâng lên trên 50%. Ông Nakao cũng nêu bật tầm quan trọng của sự ổn định chính trị, hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và việc thông qua định chế về pháp lý để giúp các nước nghèo hơn ở châu Á như Campuchia, Lào và Myanmar theo kịp nhóm các nước phát triển hơn.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Takehiko Nakao.            Ảnh: AFP
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Takehiko Nakao. Ảnh: AFP
Đánh giá cao vai trò động lực tăng trưởng của châu Á, ông Jeroen Dijsselbloem - Bộ trưởng Tài chính Hà Lan, nước đang giữ cương vị Chủ tịch khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu cho rằng, hầu hết các quốc gia thuộc lục địa già đều xem sự hợp tác với châu Á là ưu tiên chiến lược. Trên cơ sở đó, châu Á và châu Âu nên tăng cường hợp tác và xem nhau là các đối tác, thay vì các đối thủ cạnh tranh vì hai bên "sẽ cùng được lợi nhờ sự tăng trưởng và thịnh vượng của nhau".

Theo ông Nakao, trong khi nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chỉ ở mức vừa phải sau 3 thập niên tăng trưởng ở mức hai chữ số, thì việc Chính phủ Trung Quốc chú trọng thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng trong nước sẽ giúp làm thay đổi tình trạng đó. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều thách thức như: Làm thế nào để quản lý và điều hành hệ thống tài chính tốt hơn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường,...

Bên cạnh các phiên thảo luận, tại những buổi họp kết nối đàm phán kinh doanh, ban tổ chức đã nỗ lực sắp xếp để các đối tác kinh doanh tiềm năng trên khắp thế giới có thể sớm đi đến hợp tác trong tương lai. Đến nay, đã có hơn 1.700 cuộc họp đã được thu xếp cho hơn 500 công ty liên quan đến các chủ sở hữu các dự án đầu tư, các công ty cổ phần tư nhân, nhà đầu tư, các vị trí cao cấp trong các công ty. Trong một diễn biến có liên quan, Diễn đàn Vốn đầu tư cổ phần tư nhân châu Á được tổ chức vào ngày 15/1 nhằm giúp các quỹ đầu tư, tập đoàn hàng đầu thế giới tìm cơ hội kết nối tại châu Á.