Châu Âu lại gồng mình chống đỡ đợt bùng phát Covid-19 mới

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ các nước châu Âu đang áp đặt nhiều biện pháp hạn chế khác nhau để ngăn chặn việc tăng đột biến các ca nhiễm Covid-19 mới trong thời gian gần đây.

Nhờ áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên diện rộng, châu Âu từng kiềm chế được đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên và hầu hết quốc gia đã tái mở cửa kinh tế từ 2 tháng trước. Cuộc sống của người dân dường như đã bình thường trở lại, với quy tắc cơ bản là đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, trong tuần này, giới chức nhiều nước châu Âu đã cảnh báo về đợt bùng phát dịch thứ 2 khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 bất ngờ tăng vọt trở lại.
Các nước châu Âu báo động tình trạng lây nhiễm Covid-19 mới trong tuần này.
Số ca nhiễm mới không chỉ tăng mạnh trong những ngày qua tại Pháp mà ở cả một số nước châu Âu khác như Đức, Tây Ban Nha, Anh hay Italia. Các biện pháp nghiêm ngặt đã được thực thi trong những tháng mùa đông và mùa xuân để ngăn chặn đợt dịch đầu tiên. Tuy nhiên, đợt tái bùng phát dịch Covid-19 thứ hai lại diễn biến phức tạp vào lúc kỳ nghỉ hè sắp kết thúc.
Đối phó với đợt bùng phát dịch mới, các lãnh đạo châu Âu hiện đang tránh áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng, thay vào đó là thực thi những biện pháp như hạn chế di chuyển tại các điểm nóng, hối thúc đeo khẩu trang mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, chiến lược phản ứng của các nước châu Âu rất khác nhau, cùng với đó là những quy tắc thường thay đổi đột ngột.
Chính phủ Anh cho biết tỷ lệ lây nhiễm ở quốc đảo này đã vượt mức 1. Tuần trước, tỷ lệ này ở mức từ 0,8 - 1, tuần này đã tăng lên 0,9 - 1,1, tức là trung bình một người nhiễm có thể lây cho 1,1 người khác. Điều này đồng nghĩa với việc mức độ lây lan virus SARS-CoV-2 đang diễn ra rất nhanh.
Từ 0 giờ ngày 22/8, một số địa phương tại Tây Bắc England sẽ phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn làn sóng thứ hai, cụ thể cấm tiếp xúc với người ngoài, cấm đám cưới có trên 20 người tham dự, ngừng dịch vụ vận tải công cộng. Người dân ở phía bắc, bao gồm khu vực xung quanh Manchester, cũng không được gặp người từ hộ gia đình khác.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock tuần này lại nói rằng người lao động nên trở lại văn phòng. Chính phủ Anh cũng đang thúc đẩy một sáng kiến nhằm đưa người dân quay lại các nhà hàng. Ngoài ra, giới chức yêu cầu những người nhập cảnh từ một số quốc gia như Áo, Croatia, Pháp, Hà Lan phải tự cách ly 14 ngày.
Trong khi đó, tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran hôm 21/8 thừa nhận sự lây lan của dịch Covid-19 "đang tăng tốc", song nói rằng tình hình sẽ tiếp tục được kiểm soát, miễn là người dân tuân thủ các biện pháp giữ vệ sinh và giãn cách xã hội.
Pháp đã ghi nhận hơn 30.000 ca tử vong vì Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát cho đến nay và cảnh báo nước này sẽ tiếp tục chứng kiến số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao. Cơ quan y tế quốc gia cho biết tuần trước Pháp đã ghi nhận số ca mắc mới tăng 43% trong vòng 1 tuần.
Tuy nhiên, Tổng thống Emmanuel Macron loại trừ khả năng phong tỏa toàn quốc một lần nữa và lựa chọn "những chiến lược rất địa phương". "Chúng tôi không thể ngừng các hoạt động của đất nước, bởi thiệt hại đi kèm rất nghiêm trọng", ông Macron cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng "xã hội không bao giờ tồn tại khả năng rủi ro bằng không".
Ngày càng nhiều TP Pháp bắt buộc đeo khẩu trang trên các khu phố đông đúc và trong chợ. Hôm 20/8, hai TP Nice và Toulouse phía nam trở thành những địa phương đầu tiên mở rộng quy định tới tất cả khu vực ngoài trời.
Kể từ ngày 19/8, các lực lượng cảnh sát Pháp phải đeo khẩu trang khi làm nhiệm vụ. Chính phủ Pháp cũng thông báo về việc áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các doanh nghiệp kể từ ngày 1/9.
Theo các chuyên gia y tế Pháp, việc đeo khẩu trang là chưa đủ để tránh lây nhiễm vì không phải lúc nào học sinh cũng đeo hay duy trì đúng cách an toàn. Do vậy, cả hai biện pháp gồm giữ khoảng cách và đeo khẩu trang cần được bảo đảm ở trường học ngay từ khi bắt đầu năm học mới.
Tuy nhiên, tình hình tại Tây Ban Nha cho thấy mức độ khó khăn của cách tiếp cận manh mún trong việc ngăn chặn dịch Covid-19. Sau khi gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hồi tháng 6 vừa qua, 17 chính quyền khu vực tại nước này tự chỉ đạo công tác phòng dịch theo hướng riêng.
Tây Ban Nha hiện bị chia rẽ bởi những quy tắc khác nhau giữa các địa phương, trong đó nhiều hướng dẫn đã thay đổi ngay lập tức khi hàng trăm cụm dịch được xác định. Các hộp đêm một lần nữa phải đóng cửa chỉ sau vài tuần hoạt động trở lại. Một số khu vực của Tây Ban Nha thậm chí cấm hút thuốc ngoài trời ở nơi công cộng. Nhiều nước giờ đây áp dụng quy định tự cách ly đối với những hành khách tới từ Tây Ban Nha.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố sẽ xử lý đại dịch Covid-19 mà không cần đóng cửa biên giới quốc gia, bất chấp số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới hàng ngày tăng chưa từng thấy kể từ cuối tháng 4.
Tổng thống Emmanuel Macron loại trừ khả năng phong tỏa toàn quốc một lần nữa khi số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh trở lại trong vài tuần gần đây.
Thủ tướng Merkel nói rằng Liên minh châu Âu phải đoàn kết để ngăn chặn dịch Covid-19 tái bùng phát. "Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ đóng cửa biên giới một lần nữa. Về mặt chính trị, chúng tôi thực sự muốn tránh viễn cảnh đó bằng mọi giá", Thủ tướng Đức phát biểu, bất chấp thực tế rằng gần 40% ca nhiễm mới gần đây ở Đức là từ những người đi nghỉ mát trở về, khiến Bộ Ngoại giao nước này phải cảnh báo người dân không du lịch ở vài điểm đến nổi tiếng tại Tây Ban Nha và Croatia.
Các nhà quan sát cho rằng trong trường hợp Chính phủ Đức muốn tái áp đặt biện pháp phong tỏa, người dân được cho là khó có thể tuân thủ thêm một lần nữa. Hàng chục nghìn người tại thủ đô Berlin của Đức đã tham gia những cuộc biểu tình chống các biện pháp kiềm chế dịch Covid-19 trong tháng này.
Bên cạnh đó, Pháp và các nước châu Âu đang tích cực thử nghiệm và đặt mua các loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel ở khu nghỉ hè Brégançon bên bờ Địa Trung Hải ngày 20/8, Tổng thống Pháp cho biết, một số loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 và có triển vọng đưa vào sử dụng trong vài tháng tới. Lãnh đạo hai nước cũng muốn các nước châu Âu đạt được một thỏa thuận chung về việc đóng và mở cửa biên giới nhằm tranh tình trạng "mỗi nước một kiểu" như thời gian trước./.