Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Châu Âu mở đường “làm lành” với Nga

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo một tuyên bố chung được 47 quốc gia thành viên Hội đồng châu Âu bỏ phiếu thông qua hôm 17/5, Nga sẽ ở lại tổ chức này sau khi bị đình chỉ quyền biểu quyết từ năm 2014.

Các bộ trưởng ngoại giao trong Hội đồng châu Âu, cơ quan giám sát nhân quyền của lục địa già, đã thông qua một tuyên bố chung hôm 17/5,  mở đường cho Nga trở lại tổ chức này - giải quyết một cuộc tranh chấp bắt đầu sau khi Moscow sáp nhập Crimea.
 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tham dự cuộc họp của Hội đồng châu Âu hôm 17/5 tại Helsinki. 
Trước đó, Hội đồng châu Âu đã tước quyền bầu cử của Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea hồi năm 2014.
Thỏa thuận này theo sau những nỗ lực của Pháp và Đức nhằm tìm ra giải pháp trong nhóm 47 quốc gia thành viên. Điều này đồng nghĩa với việc Nga sẽ có thể tham gia một cuộc họp nghị viện của Hội đồng châu Âu vào tháng 6 tới, khi nhiều quyết định bổ nhiệm mới quan trọng sẽ được thực hiện.
Nga cho biết nước này sẽ nối lại việc thanh toán các khoản phí thành viên. Moscow đã ngừng thanh toán gần 2 năm trước sau khi quyền biểu quyết trong hội đồng bị đình chỉ trong vụ sáp nhập Crimea năm 2014.
Ukraine, được hỗ trợ bởi 6 quốc gia khác, đã cố gắng nhưng không thành công để ngăn chặn thỏa thuận này, các nhà ngoại giao cho biết.
Ukraine đã phản ứng giận dữ với thỏa thuận này. “Đây không phải là ngoại giao, đây là một sự đầu hàng”, đặc phái viên của Ukraine tại Hội đồng châu  Âu, Dmytro Kuleba, nói với hãng AFP.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hoan nghênh quyết định này. "Chúng tôi không có ý định rời khỏi Hội đồng châu Âu vì một số người đang cố gắng gợi ý bằng cách lan truyền những tin đồn sai lệch. Chúng tôi cũng không từ chối thực hiện một nghĩa vụ duy nhất, bao gồm cả những vấn đề tài chính", Ngoại trưởng Lavrov phát biểu tại Helsinki, địa điểm tổ chức cuộc họp.
Pháp và Đức đã rất muốn giữ Nga trong hội đồng, với lý do rằng nếu để Moscow ở bên ngoài sẽ khó hơn để giải quyết bất kì cáo buộc vi phạm nào.
Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin đã tẩy chay cuộc họp hôm 17/5. Các quan chức cho biết họ hiểu sự thất vọng của Kiev, nhưng nói rằng hội đồng không phải là nơi để giải quyết vấn đề Crimea.
Theo các quan chức, thỏa thuận đạt được hôm 17/5 có nghĩa là Nga sẽ tham gia hội nghị tháng 6 tại Strasbourg, khi một tổng thư ký mới và các thẩm phán tòa án sẽ được bầu, với điều kiện một số thay đổi quy tắc kỹ thuật được phê duyệt trước.
Daniel Holtgen, người phát ngôn của cơ chế này cho biết: “Những gì xảy ra hôm nay là một bước trước bước đi tiền chung kết. Hội nghị nghị viện sẽ phải tính đến quyết định của các bộ trưởng và quyết định có thay đổi quy tắc nội bộ hay không để Nga có thể tham gia các cuộc bầu cử vào tháng 6 tới”.
Theo người phát ngôn Holtgen, Nga đã nói rằng thời điểm họ trở lại hội nghị nghị viện và các quyền của họ được khôi phục, Moscow sẽ trả các khoản đóng góp và lệ phí.
Việc Nga trở lại Hội đồng châu Âu và cam kết trả các khoản đóng góp và lệ phí đã chấm dứt cuộc khủng hoảng tài chính với cơ quan nhân quyền này khi bị thiếu hụt số tiền hỗ trợ 53 triệu euro tính đến năm 2018 sau khi Moscow ngừng trả các khoản phí thành viên./.