Châu Âu muốn "lặng", Thổ Nhĩ Kỳ chẳng "dừng"

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Bộ trưởng Chính sách xã hội và Gia đình Thổ Nhĩ Kỳ bị trục xuất khỏi Hà Lan đã châm ngòi cho những mâu thuẫn ngầm giữa châu Âu và Ankara.

Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đang trong cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua liên quan đến việc 2 bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ bị ngăn cản tiếp xúc với các công dân nước này đang sinh sống tại Rotterdam để vận động cho việc trưng cầu dân ý tăng quyền lực của Tổng thống TayyipErdogan. Mọi chuyện  khởi đầu từ việc Amsterdam từ chối cho máy bay của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hạ cánh xuống sân bay tại Rotterdam sáng 11/3, ngăn ông này tham dự cuộc vận động kiều dân Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/4 về khả năng gia tăng quyền lực cho ông Erdogan. Cũng trong tối 11/3, Bộ trưởng Chính sách xã hội và Gia đình Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betül Sayan Kaya tới Rotterdam từ TP Dusseldorf (Đức) đã bị cảnh sát chặn lại khi chỉ còn cách Lãnh sự quán của nước này khoảng 30m.

Mâu thuẫn của Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trên nền sự kiện chính trị lớn của hai nước. Cuộc tổng tuyển cử của chính quyền Amsterdam diễn ra vào 15/3 trong khi ông Erdogan đang nỗ lực vận động 4,6 triệu công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống tại Tây Âu tham gia ủng hộ cuộc trưng cầu sắp tới. Căng thẳng ngoại giao leo thang từng ngày khi Tổng thống Erdogan đáp trả bằng phát ngôn Hà Lan đang “hy sinh mối quan hệ song phương hai nước” và đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu Amsterdam không lên tiếng xin lỗi về tranh cãi ngoại giao này.

 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan

Ngược lại với những phát ngôn kích động từ Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khẳng định sẽ làm mọi cách để hạ nhiệt tình hình và coi mối căng thẳng này là vấn đề tồi tệ nhất mà Hà Lan phải đối mặt trong những năm gần đây. Căng thẳng ngoại giao giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ tăng cao khiến một số nước châu Âu lo ngại và có động thái xoa dịu tình hình. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã bày tỏ sự tiếc nuối về mâu thuẫn giữa hai nước đồng minh NATO và nhấn mạnh hai bên cần dàn xếp tình hình càng sớm càng tốt. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và các nước EU bình tĩnh, giảm căng thẳng, yêu cầu Ankara hành động có giới hạn và tránh khiêu khích.

Mâu thuẫn giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhen nhóm kể từ cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016. Cuộc thanh trừng quy mô lớn khiến hàng ngàn phóng viên, công chức, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ bị liên lụy đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ châu Âu với quan điểm ưu tiên nhân quyền, dân chủ. Tuy nhiên, những mâu thuẫn này lại bùng phát vào thời điểm một loạt cuộc bầu cử của các quốc gia châu Âu như Pháp, Hà Lan, Đức diễn ra. Găng với Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh này không phải lựa chọn thích hợp với một Lục Địa già đã quá bận rộng với tiến trình Brexit dang dở và các cuộc chuyển đổi chính quyền sắp tới. Nhất là khi Ankara vẫn còn tiếng nói với vai trò là một thành viên NATO và là đối tác then chốt trong việc duy trì Thỏa thuận di cư, châu Âu muốn “lặng”, nhưng không biết Thổ Nhĩ Kỳ bao giờ sẽ “dừng”?!

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần