Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Châu Âu rúng động: gói thuế của ông Trump khiến “kẻ khóc người cười”

Kinhtedothi - Hàng xa xỉ, ô tô và ngành tàu biển là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, trong khi một số loại tiền tệ của châu Âu bất ngờ hưởng lợi từ sự hỗn loạn...

Thị trường tài chính toàn cầu rúng động trong ngày 3/4 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng ít nhất 10% đối với hầu hết mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, và khu vực châu Âu cũng không thoát khỏi “cơn bão” này.

Liên minh châu Âu (EU) bị Mỹ áp thuế đối ứng 20%. Phần lớn các chuyên gia đều cho rằng từ góc độ kinh tế, có rất ít – hoặc thậm chí không có bên nào thắng trong bối cảnh xuất hiện nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sự rạn nứt trong quan hệ thương mại. Tuy nhiên, trong khi hàng loạt công ty tại châu Âu đối mặt nguy cơ thua lỗ lớn, một số ít lĩnh vực như tiền tệ, dược phẩm lại bất ngờ nhận được kết quả tích cực từ sự hỗn loạn trên thị trường.

Hàng xa xỉ

Chỉ số Stoxx Luxury 10 của châu Âu sụt giảm 5,2% trong phiên giao dịch ngày 3/4, đánh dấu phiên tồi tệ nhất trong gần 4 năm,  với các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Burberry, LVMH và Kering (chủ sở hữu Gucci) đều chịu ảnh hưởng nặng nề.

Lĩnh vực hàng xa xỉ của châu Âu chịu tác động trực tiếp từ gói thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump, do hầu hết các sản phẩm đều được xuất khẩu sang Mỹ.

Lĩnh vực hàng xa xỉ của châu Âu chịu tác động trực tiếp từ gói thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: businessoffashion

Theo ngân hàng Citi, những thương hiệu chịu ảnh hưởng lớn nhất từ mức thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Trump gồm: nhà sản xuất giày Đức Birkenstock, thương hiệu thời trang Italia Brunello Cucinelli và hãng trang sức Đan Mạch Pandora, trong đó doanh thu từ Mỹ chiếm 31-47% tổng doanh thu của các công ty này. Bên cạnh đó, các tập đoàn xa xỉ khác như LVMH, Kering và Richemont (chủ sở hữu Cartier) cũng có ít nhất 20% doanh thu đến từ thị trường Mỹ.

Thực phẩm và đồ uống

EU mô tả Mỹ là “điểm đến quan trọng” cho các sản phẩm thực phẩm và đồ uống của khu vực như rượu vang, bia, rượu mạnh, sô cô la, phô mai và dầu ô liu.

Hiệp hội Spirits Europe cho biết: “Các ngành của chúng tôi có sự liên kết chặt chẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương, và thương mại rượu mạnh giữa EU và Mỹ hỗ trợ nhiều việc làm trong sản xuất, phân phối, nông nghiệp, bán lẻ và khách sạn.”

Chủ tịch nhóm ngành rượu vang Pháp FEVS, Gabriel Picard, ngày 3/4 cảnh báo, xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh Pháp sang Mỹ dự kiến sẽ giảm ít nhất 20% do gói thuế quan đối ứng của chính quyền Tổng thống Trump.

Bán lẻ

Một loạt các nhà bán lẻ châu Âu, từ quần áo, giày dép, hàng gia dụng, điện tử và nhiều mặt hàng khác, có chuỗi cung ứng toàn cầu đặt tại châu Á. Các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á, bao gồm Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Bangladesh và Sri Lanka, là nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất hàng may mặc và sản phẩm cho các thương hiệu lớn như H&M và Adidas. Tuy nhiên, các quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề từ các mức thuế quan đối ứng mới của Mỹ, trong đó nhiều gói thuế lên tới hơn 40%.

Ông Ian Worth – chuyên gia trưởng về thuế và hải quan tại công ty tư vấn Crowe, cho biết nhiều hãng bán lẻ châu Âu có thể phải cân nhắc chuyển hướng sang các thị trường thân thiện hơn hoặc đa dạng hóa sản phẩm. Vị chuyên gia cũng lưu ý thêm: “Việc áp thuế ngay tại thời điểm xuất khẩu – thay vì khi hàng hóa đến Mỹ – có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng”.

Vận tải biển

Các công ty logistics và vận tải biển, vốn phụ thuộc nhiều vào “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu, sẽ chịu tác động từ những dự báo tiêu cực về đà suy giảm tăng trưởng kinh tế và thương mại do chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ.

“Ông lớn” vận tải biển Maersk của Đan Mạch hôm thứ Năm cho biết, kế hoạch áp thuế đối ứng của Nhà Trắng sẽ khiến khách hàng thận trọng hơn trong một môi trường kinh tế ngày càng mong manh.

“Thời điểm hiện tại, các gói thuế quan đối ứng của Mỹ không phải là tin tốt cho nền kinh tế toàn cầu, sự ổn định và thương mại toàn cầu” – báo cáo của Maersk nêu rò.

Cổ phiếu của các công ty vận tải và logistics châu Âu đồng loạt giảm mạnh trong phiên ngày ¾, với Maersk lao dốc 9,5%, Hapag-Lloyd giảm 9%, còn DSV sụt 5,2%

Diễn biến này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về tác động tiêu cực từ các mức thuế mới của Mỹ đối với chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại quốc tế.

Ngân hàng

Trong phiên giao dịch ngày 3/4, chỉ số ngân hàng Stoxx của châu Âu sụt 5,53%, mức giảm mạnh nhất trong 2 năm qua, do lo ngại suy thoái kinh tế và cuộc chiến thương mại lan rộng.

Cổ phiếu của ngân hàng Anh Standard Chartered cũng giảm 13,3%, trong khi cổ phiếu của HSBC sụt 8,9%.

Ô tô

Mức thuế quan 25% của Tổng thống Trump đối với ô tô nhập khẩu có hiệu lực vào ngày thứ Năm, khiến hàng loạt hãng xe lớn của châu Âu tiếp tục gánh chịu thiệt hại.

Cổ phiếu của Volkswagen, Mercedes-Benz Group và BMW của Đức đều giảm khoảng 4% khi đóng cửa phiên ngày 3/4, trong khi Stellantis – công ty sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Jeep, Dodge, Fiat, Chrysler và Peugeot – sụt tới 8% trên sàn giao dịch Milan.

Cuộc chiến thương mại toàn cầu leo thang dự kiến sẽ tác động mạnh đến ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là trong bối cảnh chuỗi cung ứng ngày càng toàn cầu hóa và ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào hoạt động tại khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt là tại Mexico.

Đức chịu tác động lớn nhất

Đức là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của EU sang Mỹ trong năm ngoái. Quốc gia này cũng là quê hương của nhiều hãng sản xuất ô tô hàng đầu khu vực, bao gồm BMW, Volkswagen, Mercedes-Benz và Porsche – tất cả hiện phải chịu mức thuế nhập khẩu 25% từ Mỹ.

Trong một báo cáo công bố ngày 3/4, chuyên gi kinh tế trưởng Robin Winkler tại Deutsche Bank Research, nhận định: “Không có gì phải bàn cãi rằng thông báo về thuế quan được Tổng thống Mỹ công bố hôm 2/4 là tin xấu đối với nền kinh tế Đức”.

Hãng  xe Volkswagen của Đức hiện phải chịu mức thuế nhập khẩu 25% từ Mỹ. Ảnh: Personneltoday

Vị chuyên gia giải thích thêm: “Điều bất ngờ tiêu cực không hẳn nằm ở mức thuế trực tiếp, bởi thị trường đã dự đoán mức thuế đối ứng 20%. Tuy nhiên, mức thuế cao hơn đáng kể của Mỹ, từ 50% trở lên đối với hàng nhập khẩu từ châu Á, thực sự là một cú sốc thương mại toàn cầu. Mức thuế này lớn hơn rất nhiều so với dự báo của chúng tôi cũng như của nhiều chuyên gia khác. Một cách gián tiếp, đây cũng là một cú sốc tiêu cực đối với nền kinh tế Đức”.

Hiệp hội Bán buôn, Ngoại thương và Dịch vụ Liên bang Đức (BGA) đã lên tiếng chỉ trích các mức thuế đối ứng của Tổng thống Trump khi cho rằng đây là “một cuộc tấn công trực diện vào thương mại toàn cầu”.

“Với việc tăng thuế mạnh mẽ lên hơn 100 đối tác, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy thế giới vào một cuộc chiến thương mại công khai, tương tự như một 'Brexit kiểu Mỹ'. Tôi cho rằng căng thẳng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế của chúng ta. Căng thẳng thương mại càng kéo dài sẽ càng gây tổn thất lớn hơn cho tất cả các bên, bao gồm cả Mỹ” - Chủ tịch BGA, ông Dirk Jandura, nhấn mạnh trong tuyên bố đưa ra hôm 3/4.

Tiền tệ khu vực bất ngờ hưởng lợi

Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, các đồng nội tệ châu Âu là một trong số ít tài sản khu vực có diễn biến tích cực. Đồng euro và bảng Anh đã chạm mức cao nhất trong sáu tháng, trong khi đồng franc Thụy Sĩ đạt mức cao nhất so với đồng USD kể từ giữa tháng 10/2024.

Chuyên gia trưởng về tiền tệ Jordan Rochester tại Mizuho EMEA nhận định đồng euro có thể tăng lên mức 1,12 USD trong ngắn hạn. “Xét tổng thể, thị trường ngoại hối đang điều chỉnh theo trạng thái cân bằng lợi suất thực, điều này cho thấy tỷ giá EUR/USD có thể đạt 1,11 hoặc thậm chí 1,12. Đây vốn là mức dự báo về tỷ giá giữa euro và USD vào cuối năm nay của chúng tôi, nhưng với tốc độ này, kịch bản này có thể sẽ đến ngay trong tuần tới” – ông Rochester cho hay.

Dược phẩm là “ngoại lệ”, được miễn thuế

Dược phẩm là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của EU sang Mỹ và đã được miễn thuế quan lần này. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cảnh báo ngành dược phẩm châu Âu có thể bị điều tra trong tương lai.

Chỉ số Stoxx Pharmaceuticals và Biotechnology của châu Âu giảm 0,47%, nhưng GSK và AstraZeneca lần lượt tăng 2,2% và 1%.

Lĩnh vực tiện ích

Cổ phiếu ngành tiện ích châu Âu dẫn đầu đà tăng vào thứ Năm, bất chấp tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán châu Âu. Đây là nhóm cổ phiếu phòng thủ trong giai đoạn xảy ra bất ổn. Cổ phiếu của Engie (Pháp) và Iberdrola (Tây Ban Nha) đều tăng hơn 2%, trong đó Iberdrola thiết lập mức cao nhất trong 52 tuần qua.

Sau “cơn bão” thuế quan toàn cầu của ông Trump, giá vàng lập kỷ lục mới

Sau “cơn bão” thuế quan toàn cầu của ông Trump, giá vàng lập kỷ lục mới

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ