Châu bản triều Nguyễn: Nên là Bảo vật quốc gia

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Châu bản triều Nguyễn được các nhà khoa học đánh giá là kho tư liệu vô giá, là độc bản các văn bản của vương triều nhà Nguyễn để lại, vì vậy, rất cần được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia trước khi đề nghị UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Độc bản

Hội thảo khoa học "Châu bản triều Nguyễn - Tiềm năng di sản tư liệu" diễn ra sáng 30/8, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học. Nhận diện Châu bản triều Nguyễn, các nhà khoa học đều khẳng định giá trị độc bản, đặc sắc và độc đáo. Tìm hiểu tính xác thực của Châu bản qua phương thức làm việc của văn phòng nhà vua, nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An khẳng định: "Châu bản triều Nguyễn với tính xác thực và mức độ đáng tin cậy rất cao, đã trở thành một di sản văn hóa mang đậm giá trị học thuật của Nhà nước. Và nếu định nghĩa văn hiến là sách vở và người hiền của thời đại quốc gia thì Châu bản triều Nguyễn xứng đáng là một bộ phận tổ thành của nền văn hiến Việt Nam".

Sở dĩ nhà nghiên cứu Thuận An và các nhà khoa học nhận định, Châu bản là di sản vô giá, bởi nó phản ánh thái độ, chủ trương, chính sách của các vương triều phong kiến nhà Nguyễn khá chính thống và trung thực. Lệ định rằng, mọi văn thư giấy tờ hành chính từ dưới trình lên nhà vua và từ vua ban xuống đều phải thông qua sự xét duyệt của Nội các và sự tham gia của một số đường quan của Bộ, Nha liên quan. Các bản tấu phải gồm 3 bản, 1 bản chính (bản giáp) và 2 bản phó (bản ất). Sau khi đóng dấu văn phòng, bản chính có chữ viết bằng mực đỏ của vua được giao cho Sở bản chương cất giữ. Những Châu bản còn lưu giữ đến nay là bản chính, là độc bản của các vương triều nhà Nguyễn để lại.

Quá trình nghiên cứu các Châu bản cho thấy, nội dung phản ánh rất chân thực tình hình trong nước. Tất cả các vấn về nông nghiệp, hàng tháng đều phải tâu về nhà vua, thậm chí thời Minh Mệnh, mỗi tháng 2 kỳ vào ngày 1 và 15, các quan phải trình lên nhà vua giá gạo và các vụ việc dù rất nhỏ. Ví dụ, ông đội trưởng già yếu xin về quê nghỉ cũng phải làm sớ tâu lên nhà vua phê duyệt; con cháu công thần triều Nguyễn, xin được ghi tên vào sổ công thần để hưởng bổng lộc của nhà vua cũng phải đệ trình lên đức vua.

 
Châu phê Viện bạc tấu về việc nhắc xử lý thư từ công văn để lẫn vị trí (châu phê là lời phê của vua bằng chữ son, được viết bằng mực đỏ)
Châu phê Viện bạc tấu về việc nhắc xử lý thư từ công văn để lẫn vị trí (châu phê là lời phê của vua bằng chữ son, được viết bằng mực đỏ)
Câu chuyện về mối quan hệ bang giao

Châu bản triều Nguyễn không chỉ thể hiện tính chính thống của văn bản chính quy của hoàng đế mà còn phản ánh tính xác thực của các thông tin. Ở đó không chỉ có mối quan hệ bên trong, mà có cả quan hệ bang giao với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thứ nhất là các hoạt động giao thương, tất cả thuyền bè ra vào các cửa biển đều phải tâu trình lên nhà vua phê duyệt. Việc kiểm soát ngoại thương chặt, nhưng vẫn có thuyền buôn các nước Đông Nam Á (Trung Quốc, Nhật Bản…) và một số nước phương Tây. Thứ hai là vấn đề ngoại giao mang tính chất quốc gia. Chẳng hạn ngoại giao với Trung Quốc, Pháp, quan hệ các nước liên bang ở Đông Dương (Lào, Campuchia) đều được phản ánh trong Châu bản. Bởi vậy, nhiều nhà khoa học không ngại ngần khẳng định, Châu bản là kho văn thư đặc biệt ở cấp độ cao nhất của hoàng đế nhà Nguyễn.

Riêng đối với một số vấn đề có tính chất quốc tế, Châu bản có giá trị tư liệu và pháp lý. Điển hình như chủ quyền đối với Hoàng Sa, Châu bản có giá trị đặc biệt, không một văn bản nào ngày xưa sánh kịp. 18 tờ Châu bản về Hoàng Sa cho thấy, nhà Nguyễn tổ chức thực thi chủ quyền, tổ chức lực lượng, chế độ đi thực thi nhiệm vụ, đo đạc, cắm mốc biên giới, đường đi và thời gian đi về. Những người thực thi chủ quyền có công thì được thưởng và làm sai thì bị phạt… đều được quy định cụ thể. "Đây là tư liệu có giá trị kép vừa phản ánh lịch sử, vừa có giá trị pháp lý, là văn bản không ai có thể phủ nhận, chối cãi về chủ quyền có tổ chức và có hệ thống đối với Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta" - GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam bày tỏ.

Với những giá trị độc đáo và độc bản, GS Phan Huy Lê cho rằng, một mặt phải bảo tồn Châu bản, mặt khác phải phát huy giá trị của nó: "Hiện nay, chúng ta có ý tưởng khả thi là đăng ký Châu bản triều Nguyễn trở thành Di sản tư liệu thế giới. Muốn tiến tới như vậy, bước đầu chúng ta nên đề cử Châu bản là Bảo vật quốc gia. Tôi tin rằng, theo tiêu chí của Luật Di sản văn hóa Việt Nam, Châu bản có đầy đủ tiêu chí để trở thành báu vật. Đồng thời với việc đệ trình, chúng ta sẽ hoàn thiện nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới".

 
Châu bản triều Nguyễn được tính từ năm đầu triều vua Gia Long đến năm cuối triều vua Bảo Đại (1802 - 1945), qua 143 năm, là kho tư liệu rất đồ sộ, có dấu ngữ phê của nhà vua bằng mực son. Trải qua chiến tranh và biến thiên lịch sử, phần còn lại của Châu bản triều Nguyễn chỉ còn khoảng 1/5. Hiện, Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 đang bổ sung tất cả tờ Châu bản rời sắp xếp lại, đưa tổng số lúc tiếp quản là 602 lên 773 tập.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần