Cháu bé 12 tuổi bị đánh ở khu đô thị Ciputra: Xử nghiêm để làm gương

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ bé 12 tuổi bị ông Trần Đức Hà (ở khu đô thị Ciputra, quận Bắc Từ Liêm) đánh đến chấn thương sọ não gây chấn động dư luận mấy ngày qua. Theo đó, chỉ vì nghi bạn của con mình là bé N.A. lấy vợt cầu lông của con, ông Hà đã lao vào đánh túi bụi dù nhân viên bảo vệ khu chung cư ra tay can ngăn.

 Khu vực xảy ra vụ việc
Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự bức xúc về hành vi thiếu văn hóa, côn đồ của ông Hà và cho rằng, hành vi này không thể chấp nhận, cần phải xử lý nghiêm để làm gương. Lãnh đạo Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cũng khẳng định, vụ việc này cần phải khởi tố và xử lý nghiêm minh, tránh “phạt vài đồng rồi rơi vào quên lãng”.
Nhìn lại, trong thời gian qua, quá nhiều vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em nghiêm trọng khiến sư luận xã hội vô cùng phẫn nộ. Theo Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, trung bình mỗi năm trên cả nước xảy ra khoảng 2.000 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. Trẻ không chỉ có nguy cơ bị bạo hành thương tâm trong chính gia đình mình, một tỷ lệ đáng kể các em nhỏ còn có nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ bạo lực xảy ra tại trường học hay ngoài xã hội. Các hành vi bạo hành bao gồm cả về thể chất, tinh thần và bạo hành, xâm hại tình dục. Những vụ việc trẻ bị bạo hành không còn là chuyện của một gia đình mà là câu chuyện của toàn xã hội.
Theo phân tích của các chuyên gia xã hội học, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em, mà trước hết phải kể đến nhận thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào còn bị xem nhẹ. Đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, xâm hại trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với các cơ quan chức năng. Nhiều vụ việc để kéo dài nhiều năm, khi tình trạng ở mức báo động nghiêm trọng mới được các phương tiện thông tin đại chúng phát giác trước công luận. Sự thờ ơ, vô cảm hoặc tâm lý nể nang, lo sợ bị trả thù khiến nhiều người xung quanh không dám can thiệp hoặc tố giác hành vi phạm pháp này.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng chưa ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình. Nhiều vụ việc chính quyền không phát hiện và xử lý kịp thời dẫn đến hậu quả nặng nề hơn. Dù Nhà nước đã giao trách nhiệm bảo vệ trẻ em cho 15 tổ chức có chức năng bảo vệ quyền lợi trẻ em, từ cấp T.Ư đến tận xã, phường, từ cơ quan Nhà nước đến đoàn thể, tổ chức xã hội. Nhưng đáng báo động, tình trạng bạo hành trẻ em vẫn ngày càng gia tăng. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, những vụ bạo hành trẻ nhất thiết phải xử lý nghiêm, tạo sự răn đe cho xã hội. Người bạo hành trẻ dù là ruột thịt cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật.
Trở lại vụ việc ông Trần Đức Hà đánh bé 12 tuổi ở quận Bắc Từ Liêm, dư luận chờ đợi sự xử lý nghiêm minh của pháp luật. Dẫu biết rằng, phạt tiền hay phạt tù sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Nhưng điều đó, cũng là để tuyên truyền, giáo dục, làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em.