Chây ì cổ phần hóa

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, chỉ có 8 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) so với kế hoạch cả năm là 85 DN; có 5 DN đã thoái vốn (kế hoạch cả năm là 181 DN). Có thể thấy tiến độ CPH thoái vốn năm 2018 rất chậm, khó có khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra.

 Ảnh minh họa
Theo đại diện Bộ Tài chính, từ khi bắt đầu chủ trương CPH đến nay, tổng số vốn Nhà nước đã bán được rất ít, chỉ chiếm khoảng 8% tổng số vốn Nhà nước tại DN (đến 31/12/2017). Tại đầu tàu kinh tế như TP Hồ Chí Minh… tiến độ CPH DNNN cũng diễn ra rất chậm trễ.
Giải thích cho tình trạng này, một số địa phương cho rằng, việc thiếu một số văn bản hướng dẫn khiến địa phương, DN gặp vướng mắc, lúng túng trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm, định giá thương hiệu.... dẫn đến tiến độ CPH DNNN không đúng tiến độ.

Lý lẽ của địa phương là vậy, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nguyên nhân lớn khiến quá trình CPH bị “tắc” là do một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự nghiêm túc. Mặc dù cơ chế tháo gỡ đã ban hành đầy đủ nhưng khâu tổ chức thực hiện chưa đạt như kỳ vọng, đặc biệt là quá trình sắp xếp, xử lý đất đai khi CPH còn rất chậm. Trong quá trình tổ chức thực hiện, một số tồn tại đã làm ảnh hưởng đến kết quả của quá trình CPH, thoái vốn như DN sử dụng nhiều diện tích đất nhưng chưa thống nhất được phương án sử dụng đất với địa phương trước khi CPH.
Thực tế, quá trình các địa phương có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất và giá đất thường rất chậm dẫn đến việc phải kéo dài thời gian, điều chỉnh tiến độ CPH. Một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của các DN sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai. Nhiều lãnh đạo DN ngại CPH, vì sau khi CPH xong họ sẽ mất nhiều quyền lợi, hay sợ phải chuyển về một nơi khác ít quyền lợi hơn.

Theo các chuyên gia, muốn đẩy nhanh tiến độ CPH cần có tổng rà soát lại vấn đề đất đai để xác định đúng giá trị DN và quy trách nhiệm cho người đứng đầu DN. Nguyên tắc công khai, minh bạch trong định giá là tiền đề tốt nhất để các "ông lớn" Nhà nước đẩy nhanh hơn tiến trình thoái vốn, CPH.

Ngoài ra, thời gian qua, không ít đề án tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt nhưng kết quả không như mong đợi. Việc tái cơ cấu thời gian qua chỉ mới động đến các DN nhỏ, còn CPH các "ông lớn" Nhà nước thì vẫn kéo dài dai dẳng. Ngoài việc khó khăn khách quan là định giá phức tạp, chọn nhà đầu tư thì thẳng thắn là do ngành tìm cách trì hoãn. Vì thế, cấp bách cần phải làm là chú trọng đến cơ chế giám sát, quy trách nhiệm, đốc thúc tiến độ cụ thể hơn.

Trong năm 2017, nền kinh tế đã chứng kiến cuộc bán vốn tại hai “con gà đẻ trứng vàng” là Sabeco và Vinamilk. Tiền bán vốn, CPH được đưa về ngân sách, tái đầu tư cho nền kinh tế. Lợi ích đã thấy rõ, vấn đề là thay đổi tư duy, đặc biệt tư duy của các địa phương, của những người đứng đầu DNNN trong danh sách CPH. Vì vậy, ngoài giải pháp đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình CPH, thoái vốn DNNN, việc áp dụng các giải pháp mạnh hơn như cách chức các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương và chính bản thân DN trì hoãn CPH cần được áp dụng để đẩy nhanh chủ trương đúng và trúng nhưng đang được tiến hành rất chậm chạp này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần