Chỉ số cải cách hành chính năm 2017: Hà Nội vươn lên vị trí thứ hai

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 2/5, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã công bố Chỉ số CCHC năm 2017 của các bộ, ngành và các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017. Tới dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trưởng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ Trương Hòa Bình.

Ngân hàng Nhà nước và tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu

Theo công bố, có 12 bộ, ngành có kết quả đạt từ 80% trở lên về Chỉ số CCHC năm 2017, trong đó đứng đầu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 92,36%; sau đó lần lượt là các Bộ TT&TT, Tài chính, Tư pháp... Ngược lại, Ủy ban Dân tộc có kết quả chỉ số CCHC thấp nhất với giá trị 72,13%. So với năm 2016, Bộ KH&ĐT và Bộ Y tế có số điểm tụt hạng mạnh nhất, lần lượt là 7,98% và 7,29%.
 Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại phường Kim Giang, quận Thanh Xuân. Ảnh: Chiến Công
Đáng chú ý, kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2017 của các tỉnh, TP có thay đổi đáng kể so với năm 2016, mà một nguyên nhân quan trọng được nhận định là do có quan tâm ngày càng cao của lãnh đạo UBND các tỉnh, TP với công tác CCHC. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng năm 2017 với 89,45/100 điểm, Hà Nội đứng vị trí thứ hai; tiếp theo là tỉnh Đồng Nai xếp thứ 3, Đà Nẵng thứ 4, Hải Phòng thứ 5. Quảng Ngãi có chỉ số thấp nhất với 59,69 điểm.

Cũng trong dịp này, UB T.Ư MTTQ Việt Nam đã báo cáo kết quả triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2017. Theo đó, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chung cả nước là 80,90%, với tỉnh có chỉ số hài lòng cao nhất là 95,97%, tỉnh thấp nhất là 67,70%.

Phát biểu tại buổi công bố, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ ngành, địa phương lấy Chỉ số CCHC hàng năm để đưa vào công tác chỉ đạo, điều hành, theo dõi đơn vị; Chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công. Các cơ quan công quyền luôn phải coi đây là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị, trong đó đặc biệt tăng cường cải cách TTHC những lĩnh vực người dân và DN quan tâm, như liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, khởi nghiệp, tiếp cận tín dụng...

"Đạt được kết quả khả quan trong CCHC năm 2017 và đầu năm nay có nguyên nhân quan trọng là do Hà Nội đã xác định CCHC là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, khâu đột phá, nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ. Đặc biệt, lãnh đạo TP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong phối hợp giải quyết TTHC liên thông, tăng trách nhiệm của các sở, ngành và UBND các cấp trong phối hợp giải quyết TTHC, nhất là những TTHC thuộc lĩnh vực người có công, phục vụ DN…”- Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng


"Tôi khá hài lòng về sự thay đổi đáng kể của Hà Nội trong đẩy mạnh CCHC gần đây, nhất là trong giao tiếp ứng xử với người dân. Song, để đáp ứng được mong đợi của người dân, TP cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để nhiều người đến giao dịch trực tuyến hơn. Đặc biệt, bản thân các tổ trưởng tổ dân phố, hội trưởng hội phụ nữ… phải là người được tập huấn đầu tiên để hiểu, nắm vững thao tác cơ bản để khi cần thì có thể hướng dẫn người dân” - Bà Lê Thị Thanh - Phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng

hó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với nội dung trọng tâm là: Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; tình hình tổ chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện việc ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo quy định; đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các phần mềm dùng chung, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ và thông suốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.

Nỗ lực không ngừng của Hà Nội

Từ vị trí thứ ba vươn lên thứ hai trong bảng xếp hạng CCHC là một bước tiến ghi nhận nỗ lực không ngừng của Hà Nội trong thời gian qua. Theo nhiều ý kiến, đạt được kết quả này, có nguyên nhân chủ yếu là do từ TP đến các cấp chính quyền quận, huyện, xã, phường đều có chỉ đạo quyết liệt trong tổ chức thực hiện CCHC, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá; đồng thời rất quan tâm đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo nguyên tắc 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đáng chú ý, thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017”, song song với việc quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, TP cũng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, triển khai có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 đến tận cấp xã, phường.

Điển hình tại Gia Lâm, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành đã giúp tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến tại huyện và các xã luôn đạt hơn 90%, được Nhân dân ghi nhận. Hay tại quận Ba Đình, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quang Trung chia sẻ, từ năm 2017 đến nay, UBND quận triển khai thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của UBND quận, thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát những TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết trên mọi lĩnh vực đảm bảo kịp thời...

Đặc biệt, nơi chờ đợi làm TTHC khang trang sạch sẽ, các TTHC được công bố công khai chính là một điểm mạnhtạo nên kết quả khả quan trong chỉ số CCHC của Hà Nội. Trưởng Phòng CCHC Sở Nội vụ Phạm Tuấn Anh đánh giá: Hiện mọi sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã đang triển khai bộ phận "một cửa" hiện đại. Một số đơn vị làm tốt, nổi bật về tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, được người dân, tổ chức, DN đánh giá cao là các quận Hà Đông, Long Biên, Ba Đình, huyện Thạch Thất, Gia Lâm…; cùng các Sở Công Thương, QH-KT, Tài chính… “Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh tuyên truyền tới những người thường xuyên sử dụng internet, mạng dịch vụ xã hội và động viên người thân của CBCCVC gương mẫu sử dụng các DVCTT mức 3, 4” - ông Tuấn Anh nói.