Chi tiền tỷ lấy bằng quốc tế “rởm”

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm văn bằng do các cơ sở nước ngoài cấp đang đọng tại Trung tâm Công nhận văn bằng, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) vì không đủ điều kiện được công nhận tại Việt Nam.

 Tư vấn trực tiếp và miễn phí tại triển lãm Du học 50 trường Anh Quốc eduFairUK tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Trung
Nhiều văn bằng không được công nhận
Đăng ký du học và tốt nghiệp Đại học (ĐH) quốc tế Adam (Mỹ), anh Nguyễn Đăng Toàn (Hải Dương) không ngờ chứng chỉ tốt nghiệp của mình sau 4 năm đầu tư ăn học mất tiền tỷ lại không được công nhận tại Việt Nam. Anh Toàn cho biết, theo yêu cầu của cơ quan, chứng chỉ của anh được nộp lên Trung tâm Công nhận văn bằng của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên sau gần một tháng chờ đợi, anh nhận được công văn trả lời, văn bằng không được công nhận do trường ĐH quốc tế Adam là cơ sở đào tạo không được kiểm định tại Mỹ.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bị từ chối không công nhận văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp. Mới đây, thông tin từ Trung tâm Công nhận văn bằng thông báo, có tới hàng chục nghìn văn bằng quốc tế không được công nhận tại Việt Nam.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, con số nêu trên không phải là con số thống kê chính thức mà chỉ được ước tính dựa trên thực tế nhu cầu theo học các chương trình quốc tế từ bậc cao đẳng đến tiến sĩ. Bởi hiện nay, Bộ GD&ĐT không quy định tất cả các văn bằng quốc tế đều phải được chứng nhận của Bộ.
Chỉ có những cá nhân người sử dụng hoặc cơ quan nơi người có văn bằng làm việc có nhu cầu xác nhận văn bằng quốc tế mới tìm đến Trung tâm đề nghị được công nhận. Tại thời điểm này, số lượng văn bằng không được công nhận do Trung tâm tiếp nhận chỉ vài trăm bộ.

Phát hiện nhiều bằng giả, trường ảo

Trước thực tế nhiều văn bằng nước ngoài không được công nhận, đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, các tổ chức kiểm định giả, trường ĐH giả hoặc văn bằng, bảng điểm giả vẫn cấp bằng cho học viên Việt Nam đã được phát hiện rất nhiều, cần phải cảnh báo tới người học.
“Trong trường hợp này, có người học vì không nắm được thông tin, chủ quan nên rơi vào bẫy lừa, mất tiền oan, nhưng cũng có những người vì cần bằng cấp nên sẵn sàng bỏ tiền mua dù biết là bằng giả, trường giả” – đại diện Cục Quản lý chất lượng cho biết.

Bên cạnh đó, có không ít trường hợp tuyển sinh sai như: Bằng Trung cấp vào học thạc sĩ, Cao đẳng học thẳng lên Master, chứng chỉ nghề vào thẳng năm cuối ĐH hoặc chứng chỉ ngoại ngữ không đảm bảo chuẩn quốc tế... nên những văn bằng đó không được công nhận hoặc một số trường hợp chỉ công nhận với mục đích học tập.
Ngoài ra, các chương trình đào tạo từ xa cũng không được Bộ GD&ĐT công nhận văn bằng vì hiện văn bằng của các chương trình đào tạo từ xa của các trường nước ngoài chưa được phép triển khai ở Việt Nam do khó quản lý chất lượng.

Trước thực trạng trên, Cục Quản lý chất lượng khuyến cáo người học phải đặc biệt cảnh giác với những lời chào mời từ các chương trình học có lợi bất thường như rút ngắn thời gian đào tạo, không cần thành thạo tiếng Anh... vì đây đều là những chương trình không được kiểm duyệt. Đồng thời cần lựa chọn đúng đắn cơ sở đào tạo được quốc gia sở tại kiểm định hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo.
Hiện, Cục Quản lý chất lượng vẫn thường xuyên cập nhật thông tin các cơ sở đào tạo nước ngoài hoặc liên kết đào tạo trên trang web của Cục. Đây là thông tin chính thống giúp người học có căn cứ để xác định chất lượng cũng như tính hợp pháp trong hoạt động đào tạo của trường mình theo học ở nước ngoài cũng như chương trình liên kết quốc tế đào tạo trong nước.