Ai dễ nhiễm và tử vong do virus nCoV?

Nam Trần (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đang diễn biến hết sức phức tạp. Đến nay, đã có 27 quốc gia ghi nhận bệnh nhân mắc, tại Việt Nam có 10 ca nhiễm và hàng chục người nghi nhiễm đang được cách ly.

Xung quanh việc phòng chống nCoV, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, người dân nên tuân thủ đúng các khuyến cáo của Bộ Y tế.

Thời điểm này, nhiều người hễ có triệu chứng ho, sốt là nghĩ mình có thể mắc nCoV. Ông có thể cho biết, biểu hiện nào để nhận thấy bệnh nhân nhiễm virus này?

- Người nhiễm nCoV, cúm hoặc cảm lạnh thường có các triệu chứng hô hấp như sốt, ho và sổ mũi. Mặc dù nhiều triệu chứng là giống nhau nhưng nguyên nhân gây bệnh lại là các virus khác nhau. Do vậy, rất khó xác định bệnh nếu chỉ dựa vào triệu chứng. Đó là lý do tại sao cần xét nghiệm để xác định người nhiễm 2019-nCoV.
WHO khuyến cáo những người bị ho, sốt và khó thở nên đi khám sớm. Bệnh nhân nên thông báo cho nhân viên y tế nếu họ đã đi du lịch trong 14 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng hoặc nếu họ đã tiếp xúc gần với người bệnh có các triệu chứng đường hô hấp.
 Bệnh nhân nghi nhiễm virus corona khám và kiểm tra ban đầu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Ảnh: Phạm Hùng

Nhiều bệnh viện ở Việt Nam kể cả tuyến tỉnh đã chữa khỏi cho bệnh nhân nhiễm nCoV, vậy đã có loại thuốc đặc hiệu nào để phòng và điều trị bệnh nCoV gây ra chưa, thưa ông?

- Cho đến nay, không có thuốc cụ thể được khuyến cáo để dự phòng hoặc điều trị chủng mới của virus nCoV. Tuy nhiên, những người bị nhiễm nCoV cần được chăm sóc thích hợp để làm giảm và điều trị triệu chứng. Người bị bệnh nặng nên được chăm sóc hỗ trợ tích cực. Một số phương pháp điều trị cụ thể đang được điều tra, thử nghiệm thông qua các thử nghiệm lâm sàng. WHO đang phối hợp các đối tác để phát triển thuốc điều trị nCoV.
Để bảo vệ bản thân khỏi nhiễm chủng mới của nCoV nên duy trì vệ sinh tay và vệ sinh hô hấp, thực hành an toàn thực phẩm và tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai có triệu chứng bệnh hô hấp như ho và hắt hơi.
Đối với nhiễm CoV, các biện pháp sau đây không được khuyến nghị vì không hiệu quả để bảo vệ bạn và thậm chí có thể gây hại: Sử dụng vitamin C, hút thuốc, sử dụng trà thảo dược truyền thống, tự dùng thuốc như kháng sinh.

Nhóm độ tuổi nào dễ bị mắc chủng mới của nCoV?

- Người dân ở mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc chủng mới của virus Corona. Tuy nhiên, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính (như hen phế quản, tiểu đường, bệnh tim mạch,…) sẽ dễ bị mắc và bệnh thường nặng hơn. Những người đã mắc bệnh này nhưng có những bệnh nền là những bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh người cao tuổi... thì nguy cơ tử vong sẽ cao hơn.
Tôi khẳng định thêm lần nữa là những người mắc bệnh phải là những người tiếp xúc gần với người trở về từ vùng dịch hoặc hải sản, động vật của vùng dịch. Do đó, để phòng bệnh mỗi người đều phải tuân thủ khuyến cáo cập nhật thường xuyên của Bộ Y tế, trong đó, cần lưu ý yếu tố vệ sinh cá nhân thường xuyên, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho; tránh tiếp xúc gần với động vật nuôi và động vật hoang dã; chỉ sử dụng thực phẩm chín...

Người có thể bị lây nhiễm 2019-nCoV từ động vật không, đặc biệt từ thú cưng của mình không, thưa ông?

- Các điều tra cho thấy SARS-CoV lây truyền từ cầy hương sang người tại Trung Quốc năm 2002 và MERS-CoV từ lạc đà sang người tại Ả Rập Xê Út năm 2012. Một số virus nCoV đang lưu hành ở động vật nhưng chưa lây truyền sang người. Khi hoạt động giám sát trên toàn thế giới được cải thiện, có khả năng nhiều loại virus Corona được phát hiện.
Có khả năng một nguồn động vật tại một chợ tươi sống ở Trung Quốc là nguồn truyền bệnh cho một số trường hợp nhiễm ở người đầu tiên được báo cáo. Để bảo vệ bản thân, khi đi chợ buôn bán động vật tươi sống cần tránh tiếp xúc trực tiếp với động vật sống và bề mặt tiếp xúc của động vật. Nên tránh tiêu thụ các sản phẩm động vật sống hoặc chưa nấu chín. Thịt, sữa hoặc nội tạng động vật nên xử lý cẩn thận, tránh lây nhiễm chéo với thực phẩm chưa nấu chín khác. Cần tuân thủ các thực hành an toàn thực phẩm tốt.
Đối với thú cưng, hiện tại không có bằng chứng cho thấy động vật nuôi như mèo và chó đã bị nhiễm hoặc gây lây lan virus nCoV.

Những ngày qua, tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế trên thị trường khiến người dân vô cùng lo lắng. Ông có thể khuyến cáo về việc đeo khẩu trang phòng bệnh?

- Việc sử dụng khẩu trang để ngừa dịch bệnh không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế mà người dân có thể sử dụng các loại khẩu trang bằng vải thông thường và giặt sạch mỗi ngày bằng xà phòng, phơi khô. Ngoài ra, người dân cũng không nên đeo khẩu trang mọi nơi, mọi lúc, khẩu trang chỉ nên đeo ở nơi có tiếp xúc đông người như nơi công cộng hoặc khi đến bệnh viện. Đối với loại khẩu trang đặc chủng N95, chỉ những người chăm sóc, điều trị bệnh nhân, đi vào ổ dịch mới cần dùng.
Nhiều người lạm dụng khẩu trang mà quên đi các biện pháp phòng ngừa khác, trong đó, rửa tay là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng các bệnh đường hô hấp. Các vụ dịch cúm trước đây đã chứng minh rửa tay có hiệu quả hơn khẩu trang trong phòng ngừa cúm. Ngoài việc đeo khẩu trang, rửa tay, người dân cần làm theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không nghe theo tin dồn, gây hoang mang, sợ hãi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần