Chìa khóa mở cửa

Đoàn Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định về biểu mẫu và quy trình cấp "Hộ chiếu vaccine", có hiệu lực từ ngày 20/12/2021. Theo đó, "hộ chiếu vaccine" được cấp cho người đã tiêm đủ 2 mũi với 8 loại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép.

Đây thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch Y tế quốc tế. Người có tấm “hộ chiếu” này đã được chứng nhận sức khỏe ổn định và có lợi thế khi xin visa để xuất cảnh.
“Hộ chiếu vaccine” ra đời giúp các cơ quan y tế kiểm soát tốt về công tác phòng chống dịch; để người dân biết rõ được sức khỏe của mình; hỗ trợ các quốc gia mở cửa đón khách quốc tế.
Có thể nói, chủ trương sử dụng "hộ chiếu vaccine” là một chính sách rất đúng đắn trong bối cảnh hiện tại. Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng hộ chiếu vaccine Covid-19 với hy vọng giúp phục hồi nền kinh tế và nỗ lực đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới trong tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, “hộ chiếu vaccine” có thể là cơ sở để các quốc gia tái thiết hoạt động giao lưu, phá vỡ tình trạng “đóng băng” của nhiều ngành kinh tế khi đại dịch vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt chủng biến thể mới Omicron lan rộng. Các chuyên gia y tế khẳng định, vaccine có hiệu lực phòng và giảm tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19, kể cả với biến chủng mới. Vai trò của vaccine đã rõ, “hộ chiếu vaccine” sẽ giúp các nước thúc đẩy du lịch và giao lưu quốc tế.
Với Việt Nam, tấm “hộ chiếu” này là giải pháp để nước ta sống chung với đại dịch, sớm mở cửa trở lại giao thương, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Thêm vào đó, tấm hộ chiếu vaccine còn giúp những người phản đối việc tiêm vaccine có cơ hội nhận thức lại khi thấy rõ được lợi ích của vaccine. Nếu không tiêm, vừa không được phòng bệnh, vừa phải đứng ngoài “cuộc chơi” bởi sẽ khó có thể tham gia vào các hoạt động cộng đồng và giao thương quốc tế.
Tính đến nay, Việt Nam đã công nhận mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine của 78 quốc gia, vùng lãnh thổ. Vừa qua, một số địa phương đã đón những chuyến bay quốc tế mà hành khách có “hộ chiếu vaccine” - là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý đánh giá, xây dựng phương án và triển mô hình du lịch an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19.
Được biết, Bộ Ngoại giao hiện đang trao đổi với 80 đối tác về việc công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine. Đây được coi là “tấm giấy thông hành” giúp Việt Nam và các nước trên thế giới có thể sống chung với đại dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế. Là cơ sở pháp lý để mở cửa, đưa hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường mới, giúp đất nước phục hồi trở lại sau khủng hoảng nặng nề do dịch Covid-19.