Chia sẻ để doanh nghiệp đầu tư trực tiếp ra nước ngoài phát triển

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nội dung chính được các đại biểu, chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội thảo "Đầu tư bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở Tiểu vùng Mê Kông", sáng 17/2, tại Hà Nội.

Từ dự án đầu tư đầu tiên ra nước ngoài năm 1989 đến hết năm 2015, Việt Nam đã đầu tư gần 20,8 tỷ USD ra nước ngoài thông qua 1.094 dự án. Con số này tương đương 5% tổng số dự án và 7% vốn đăng ký và 14% vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam trong cùng giai đoạn.
Toàn cảnh hội thảo.
Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. ODI giúp bù đắp những thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu trong nước, mở rộng thị trường cũng như giúp củng cố vị thế của Việt Nam tại các quốc gia nhận đầu tư. Thực hiện theo Đề án thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tại Quyết định 236/QĐ-TTg (2009), Việt Nam tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực khoáng sản, dầu khí, nông lâm nghiệp, thủy điện, thông tin truyền thông và hạ tầng khu đô thị. Đây là những lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam và đều có số vốn đầu tư trên 1 tỷ USD.
Tính đến đầu năm 2016, Việt Nam đã đầu tư sang 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các quốc gia ở Tiểu vùng Mê Kông, đặc biệt là Lào và Campuchia là hai quốc gia được các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn đầu tư nhiều nhất. Hiện, trình độ phát triển giúp cho đầu tư nông lâm nghiệp được coi là thế mạnh do phát huy được lợi thế so sánh của lĩnh vực này trong mối quan hệ với nền kinh tế ba nước và khu vực. Chính vì thế, lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp đứng thứ hai trong cơ cấu đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam và đứng thứ ba trong cơ cấu nhận đầu tư nước ngoài (FDI) và trong nước (DDI) của Lào và Campuchia giai đoạn 2011 - 2015.
Bên cạnh những thành tựu xóa đói giảm nghèo hay cải thiện cơ sở hạ tầng, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tiềm ẩn những rủi ro do sự khác biệt về văn hóa, pháp luật à môi trường. Những khác biệt này có thể dẫn đến các tranh chấp và qua đó ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực.
Chính vì thế, Hội thảo “Đầu tư bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam ở Tiểu vùng Mê Kông” được tổ chức ngày 17/2 là diễn đàn để cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nhằm hoàn thiện Dự thảo Hướng dẫn tự nguyện, góp phần cho chính sách đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Trong đó, các đại biểu, chuyên gia tập trung vào phân tích xu hướng chính sách đầu tư ra nước ngoài; Bài học kinh nghiệm quốc tế, lợi ích, tác động và thách thức; Giảm thiểu rủi ro môi trường - xã hội…
Được biết, nhận thức được những rủi ro môi trường - xã hội từ hoạt động đầu tư trong lĩnh nông nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm con người và thiên nhiên và Tổ chức Oxfam đã thực hiện nghiên cứu, đánh giá nhanh thực trạng của các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Lào và Campuchia, qua đó giúp nhận diện vấn đề và huy động nhóm doanh nghiệp tiên phong khởi xướng sáng kiến xây dựng hướng dẫn tự nguyện nhằm giảm thiểu rủi ro về môi trường - xã hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Tiểu vùng Mê Kông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần