Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 1
Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 2

Đó cũng là tâm trạng chung của cán bộ, Nhân dân huyện Đan Phượng khi cả 15/15 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 5 xã (Đan Phượng, Song Phượng, Liên Hà, Tân Hội, Thọ Xuân) đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đây cũng là 5 xã đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 3

Trở lại xã Song Phượng sau nhiều năm, tôi như thấy mình đặt chân đến một vùng đất lạ hoàn toàn mới mẻ bởi sự thay đổi đến chóng mặt. Từng được chọn là một trong ba xã điểm xây dựng nông thôn mới đầu tiên của TP Hà Nội, cùng với xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) và Mai Đình (Sóc Sơn), Song Phượng trở thành hình mẫu lý tưởng để nhiều địa phương khác tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Chặng đường hơn 10 năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm nên bước chuyển mình đáng kinh ngạc của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử này.

Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 4

Tuyến đường trục chính chạy qua địa bàn xã Song Phượng được mở rộng, trải nhựa phẳng lì, thuận tiện cho việc đi lại. Hai bên đường là những hàng cây xanh mướt, mang đến cảm giác êm dịu trong cái nắng gắt mùa Hè. Hoa giấy, mẫu đơn… nở rộ dọc các tuyến đường, khoe sắc trong nắng vàng, tô thắm cho diện mạo tươi mới của làng quê nông thôn mới. Như làng lên phố, các tuyến đường trục chính, nhánh ngõ đều được đặt tên, nhà được đánh số. Đường Tháp – Thượng, đường Hồ Văn Chỉ… những tên phố, tên đường ngày càng trở nên thân thuộc với người dân nơi đây.

Năm 2013, xã Song Phượng là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Đan Phượng hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. 5 năm sau (năm 2018), Song Phượng tiến thêm một bước khi về đích nông thôn mới nâng cao. Tháng 6 vừa qua, chính quyền và Nhân dân xã Song Phượng vui mừng được đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Anh Tùng cho biết, 5/5 nhà văn hóa khu dân cư được đầu tư xây dựng khang trang với đầy đủ trang thiết bị. Rác thải được thu gom, vận chuyển trong ngày. 4/4 thôn có các mô hình bảo vệ môi trường hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Nhiều vườn hoa, cây xanh, sân chơi được xây dựng ở các khu dân cư. Dụng cụ, trang thiết bị tập luyện thể dục thể thao được lắp đặt tại các không gian công cộng để phục vụ nhu cầu của người dân.

Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 5

Cũng giống như Song Phượng, xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) giờ đây đã được khoác lên mình chiếc áo mới khang trang với những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, những tuyến đường hoa rực rỡ, nhà có số, phố có tên, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. “Nhìn lại hành trình 11 năm phấn đấu, nỗ lực xây dựng nông thôn mới, làng quê Đan Phượng như khoác lên mình chiếc áo mới – chiếc áo của hạnh phúc!” – Trưởng thôn Đoài Khê (xã Đan Phượng) Nguyễn Thị Thám xúc động chia sẻ.

Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, năm 2013, xã Đan Phượng đã về đích nông thôn mới và tới năm 2018 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chủ tịch UBND xã Đan Phượng Nguyễn Văn Thông cho biết, không thỏa mãn với kết quả đạt được, năm 2019 xã tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và đã hoàn thành vào năm 2021. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ mặt đường, rãnh thoát nước, cây xanh. 100% nhà ở trong các thôn, tổ dân phố được đánh số, đường có biển chỉ dẫn. Đặc biệt, các tuyến đường được trồng hoa, cây xanh, vẽ tranh bức họa; hệ thống ao hồ được kè, lắp rào chắn, tạo diện mạo khang trang, hiện đại cho làng quê.

Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 6

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, nhằm tạo diện mạo mới khang trang, huyện đã phát động và tổ chức cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” trên địa bàn. Đến quý II/2022, huyện đã trao thưởng cho 158 thôn, cụm, tổ dân phố có thành  tích trong cuộc thi với tổng kinh phí hơn 730 triệu đồng. Cuộc thi được Nhân dân hưởng ứng tích cực, với tổng kinh phí xã hội hóa hơn 30 tỷ đồng và hàng vạn ngày công lao động, thực hiện công tác chỉnh trang, góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 7

Những năm gần đây, Đan Phượng được biết đến như một vùng trồng nho Hạ đen nổi tiếng của Hà Nội, thu hút nhiều du khách tới tham quan. Đứng giữa vườn nho sai lúc lỉu những chùm quả căng mọng, ông Nguyễn Văn Nội, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng – người tiên phong đưa nho Hạ đen về quê hương của phong trào phụ nữ ba đảm đang, nở nụ cười mãn nguyện với thành quả của hai vợ chồng.

Năm 2018, trong một lần xem ti vi, ông Nội biết đến mô hình trồng nho Hạ đen không hạt ở miền Bắc. Nhận thấy đây là giống cây mới, tiềm năng thị trường rộng mở, ông đã trực tiếp lên Bắc Giang để học hỏi cách trồng. Đến tháng 3/2019, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang và Hội Nông dân huyện Đan Phượng, ông Nội đã trồng thành công 100 gốc nho Hạ đen.

Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 8

“Hiện gia đình tôi đã mở rộng diện tích trồng nho Hạ đen lên 1 mẫu. Mỗi năm nho cho 2 vụ quả, với mức giá bình quân khoảng 130.000 đồng/kg, mỗi sào canh tác gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng” - ông Nguyễn Văn Nội chia sẻ. Điều đáng mừng, sản phẩm nho Hạ đen của gia đình ông Nội đã được UBND TP Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), qua đó góp phần tạo thuận lợi hơn cho đầu ra.

Từ thành công bước đầu của gia đình ông Nguyễn Văn Nội, ngày càng nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đan Phượng bắt tay vào trồng loại trái cây này. Thậm chí, không ít hộ còn mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà màng, nhà lưới, trồng nho Hạ đen ứng dụng công nghệ cao, tưới tiết kiệm.

Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, vườn nho Hạ đen ở Đan Phượng còn là điểm đến tham quan của nhiều du khách. Vào những dịp cuối tuần, các vườn nho lại đón hàng trăm khách tới tham quan, trải nghiệm. Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế Đan Phượng, toàn huyện hiện có khoảng 1,5ha trồng nho Hạ đen. Thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình trồng nho Hạ đen gắn với du lịch sinh thái để gia tăng nguồn thu nhập cho nông dân.

Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 9

Trên cánh đồng của xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, mô hình trồng rau hữu cơ của Hợp tác xã Cuối Quý nổi bật với hệ thống nhà màng, nhà lưới, hạn chế sự tác động của thời tiết cũng như sâu bệnh. Bên trong là những luống rau tươi xanh mơn mởn. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý Đặng Thị Cuối chia sẻ, rau hữu cơ của Hợp tác xã được sản xuất hoàn toàn tự nhiên với phương châm "5 không": Không sử dụng phân bón hóa học, không phun thuốc kích thích tăng trưởng, không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng hạt giống rau biến đổi gen, đất trồng và nguồn nước đảm bảo nghiêm ngặt. Đồng thời, ứng dụng công nghệ nhà màng lưới, hệ thống tưới phun và tưới nhỏ giọt với tổng diện tích hơn 46.200m2.

Để phục vụ công tác bảo quản và nâng cao chất lượng rau củ quả, bên cạnh nhà lạnh quy mô 50m2, chị Đặng Thị Cuối còn đầu tư thêm một nhà sơ chế diện tích 30m2. Hiện nay, sản phẩm của Hợp tác xã Cuối Quý đã được liên kết, tiêu thụ vào hệ thống siêu thị và thực phẩm sạch trên toàn TP, trong đó có 17 sản phẩm rau được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Trung bình sản lượng hàng năm đạt từ 50 – 80 tấn rau củ quả các loại, cho doanh thu 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận 750 triệu đồng/năm. Đồng thời hỗ trợ tạo công việc cho 20 lao động thường xuyên có việc làm thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Đan Phượng là một xã có tốc độ đô thị hóa nhanh của huyện Đan Phượng, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn chiếm 12% trong tổng cơ cấu kinh tế của xã. Đây là tiền đề quan trọng để xã Đan Phượng xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Cùng với đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng Nguyễn Văn Thông cho biết, xã còn đẩy mạnh các ngành nghề dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp với 500 hộ sản xuất, kinh doanh. Điểm công nghệ làng nghề 28ha có 84 công ty, DN, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2021 đạt 76,67 triệu đồng/người/năm.

Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 10

Thống kê cho thấy, trên địa bàn huyện Đan Phượng có 5 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích 70,9ha thu hút hơn 543 DN, hộ sản xuất vào hoạt động. Mới đây, UBND huyện Đan Phượng tổ chức lễ khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Đan Phượng, giai đoạn 2 có quy mô 6,8ha trên địa bàn xã Đan Phượng với tổng mức đầu tư 188 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan đồng bộ, hiện đại nhằm giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các DN trên địa bàn, ưu tiên thu hút các ngành nghề công nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để địa phương thu hút đầu tư, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đan Phượng nói riêng và TP nói chung.

Tính đến nay, toàn huyện Đan Phượng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hơn 1.600ha. Bên cạnh đó, huyện còn duy trì và phát triển 8 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng lan hồ điệp, trồng nấm, nho Hạ đen, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng... tại các xã Đan Phượng, Phương Đình, Thọ Xuân và Liên Trung với diện tích 64ha.

Việc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được quan tâm đẩy mạnh. Trên địa bàn huyện có 8 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nấm, rau, hoa... được tiêu thụ tới các siêu thị, trường học, chuỗi thực phẩm sạch trên địa bàn trong và ngoài TP. Các sản phẩm thường xuyên được nâng cao chất lượng, trong đó có 29 sản phẩm được dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Các hợp tác xã, DN, hộ dân tham gia vào liên kết chuỗi ngày càng mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của huyện Đan Phượng đạt 66 triệu đồng/người tăng 4,8 triệu đồng so với năm 2020. Đến nay, huyện không còn hộ nghèo.

Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 11

Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 5 giờ sáng, khi đường làng còn vắng người qua lại, bà Bùi Thị Lan, thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng lại í ới rủ mấy người bạn già gần nhà ra tập thể dục. Từ vài tháng nay, khi dụng cụ, trang thiết bị tập luyện thể dục thể thao được lắp đặt tại các không gian công cộng để phục vụ nhu cầu của người dân, việc tập thể dục buổi sáng đã trở thành thói quen của bà Lan cũng như nhiều người dân thôn Đại Phùng.

“Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được quan tâm, nâng cao. Hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao bị trì hoãn. Nay dịch được kiểm soát, chúng tôi có cơ hội được chơi bóng chuyền hơi, tập thể dục với các thiết bị mới, rèn luyện nâng cao sức khỏe” – bà Lan phấn khởi chia sẻ.

Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 12

Cảnh quan môi trường nông thôn mới, những thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đời sống người dân được xây dựng, lắp đặt có phần đóng góp không nhỏ của người dân địa phương. Tính đến nay, toàn xã Đan Phượng có 4 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo với diện tích trên 5.000m2 và 8 điểm sân chơi ở các thôn. Đặc biệt có 4 điểm lắp đặt dụng cụ thể thao thường xuyên diễn ra hoạt động thể dục, thể thao đáp ứng nhu cầu nâng cao sức khỏe cho Nhân dân.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2019 – 2021, toàn xã Đan Phượng đã huy động được hơn 77 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó nguồn vốn xã hội hóa, vốn đóng góp của DN là trên 5 tỷ đồng. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đan Phượng Bùi Tiến Thao chia sẻ, nhận thức rõ tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới, những năm qua, MTTQ xã luôn xác định nhiệm vụ hàng đầu là tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ, thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình để chủ động tham gia, không trông chờ, ỷ lại.

“Đặc biệt đã phát huy được vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể, người dân trong giám sát việc huy động và sử dụng các nguồn lực do Nhân dân đóng góp. Đồng thời giám sát nội dung công khai các thủ tục hành chính, qua đó góp phần cải tiến lề lối, tác phong, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức đối với Nhân dân. Qua giám sát cho thấy, việc huy động, sử dụng các nguồn lực của chính quyền đều đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, phù hợp với sức dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ” – ông Bùi Tiến Thao bày tỏ.

Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 13

Hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, người dân tại các ngõ xóm thuộc thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng đã tham gia kẻ vẽ 35m đường tranh bích họa; quét vôi ve trên 1.000m2 tường; cải tạo đường, rãnh thoát nước dài 250m. Cùng với đó, duy trì chăm sóc, trồng mới hàng trăm chậu hoa, cây cảnh. “Điều đáng khích lệ khi kinh phí thực hiện đều được huy động từ nguồn xã hội hóa. Người dân địa phương chỉ đóng góp ngày công lao động” - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tháp Thượng Bùi Văn Trường cho biết.

Tương tự, tại thôn Thống Nhất, xã Song Phượng, công tác xã hội hóa trong chỉnh trang môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp cũng được đẩy mạnh. Riêng trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022, người dân trong thôn đã đóng góp hàng chục triệu đồng để mua sắm chậu hoa, cây cảnh trang trí tại ven các tuyến đường, ngõ xóm. Đặc biệt tại thôn Thống Nhất, lần đầu tiên camera an ninh đã được lắp đặt, giúp thôn xóm trở nên an toàn, văn minh hơn.

Trong 3 năm qua, hơn 41 tỷ đồng đã được xã Song Phượng huy động để thực hiện nhiệm vụ xây xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả đến nay, xã Song Phượng được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu ở 3 nhóm tiêu chí: Văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo.

Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 14

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, điều đáng ghi nhận là phong trào bảo vệ môi trường, giữ gìn thôn, tổ dân phố xóm sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn đã thu hút được đông đảo người dân cũng như hội viên các tổ chức đoàn thể tham gia. Trong đó Hội Nông dân 5 xã Đan Phượng, Thọ Xuân, Trung Châu, Đồng Tháp, Thượng Mỗ xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường nông thôn gồm phân loại, xử lý rác thải tại nguồn… Đoàn Thanh niên tiếp tục duy trì và chăm sóc 25 tuyến đường bích họa, tổng diện tích trên 1.500 m2, biến điểm chân rác thành vườn hoa.

 “Phát động phong trào xây dựng tuyến đê kiểu mẫu gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đến nay, toàn huyện huy động các đoàn thể, Nhân dân đóng góp hàng trăm công lao động dọn dẹp cỏ dại, vệ sinh môi trường, trồng hoa trên mái đê được 4.205m đê, diện tích 23.890m2, với kinh phí huy động xã hội hóa được 2,2 tỷ đồng” – ông Nguyễn Thạc Hùng cho biết.

Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 15

Đến thời điểm này, huyện Đan Phượng đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Đan Phượng, Song Phượng, Liên Hà, Tân Hội, Thọ Xuân), vượt 1 xã so với chỉ tiêu TP giao. Về xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, theo Bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, huyện Đan Phượng cơ bản đạt 5/9 tiêu chí gồm: Giao thông; Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; Điện; Kinh tế; An ninh trật tự và Hành chính công. Huyện còn 4/9 tiêu chí chưa đạt là Quy hoạch; Y tế - Văn hóa - Giáo dục; Môi trường và Chất lượng môi trường sống.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, trong quý II/2022, huyện có 167 dự án mới được triển khai thuộc các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường... Ước 6 tháng đầu năm 2022, huyện đã thi công xong 51 dự án, đồng thời khởi công được 88 dự án, tiêu biểu một số dự án như: Trường THCS Trung Châu (nhà giáo dục thể chất); trường Mầm non Phương Đình (khu La Thạch); trường THCS Thọ An...; cải tạo, mở rộng đường từ Tỉnh lộ 422 vào thôn Thượng Hội, xã Tân Hội...

Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 16

Lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết, những tháng cuối năm, huyện tập trung chỉ đạo 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Các xã còn lại xây dựng và triển khai kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện phấn đấu năm 2022 có thêm 6 xã (Tân Lập, Đồng Tháp, Liên Trung, Trung Châu, Phương Đình, Thượng Mỗ) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu lên 11/15 xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải nhấn mạnh, thành quả xây dựng nông thôn mới của và huyện Đan Phượng là kết quả của ý Đảng lòng dân. Năm 2021 mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương trên địa bàn huyện luôn nỗ lực, chung sức đồng lòng, quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đạt được kết quả tích cực. Đáng chú ý nhiều mô hình, phong trào trên địa bàn huyện mới phát động đã tạo điểm nhấn, được người dân đồng tình hưởng ứng như phong trào xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, cuộc thi tổ dân phố sáng, xanh, sạch đẹp…

Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 17

Theo ông Trần Đức Hải, định hướng của huyện Đan Phượng trong thời gian tới là phát triển huyện thành quận, xã thành phường, đô thị hóa nông thôn theo hướng xanh - văn hiến - văn minh. Do vậy, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng đề nghị các xã cập nhật xu hướng phát triển để chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện của địa phương, với đích đến cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng về xây dựng nông thôn mới đầu năm 2022, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, toàn Đảng bộ huyện cần xác định quyết tâm, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện, phấn đấu đến năm 2023 huyện Đan Phượng đạt nông thôn mới kiểu mẫu và đến năm 2025 huyện phát triển lên quận. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị, trong quá trình thực hiện, huyện cần tích hợp các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với các tiêu chí của đô thị. Đặc biệt, cần rà soát kỹ, xây dựng rõ giải pháp, lộ trình thực hiện đối với 6 tiêu chí phát triển lên quận hiện nay huyện chưa đạt, trong đó cần quan tâm phát triển nguồn thu để từng bước tự cân đối ngân sách.

Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 18
Chiếc áo mới hạnh phúc! - Ảnh 19

19:16 19/07/2022