Chiếm hữu tài sản có chắc xác lập được quyền sở hữu?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy định của luật hiện hành, quyền chiếm hữu được ghi nhận như một quyền năng trong nội dung của quyền sở hữu, điều đó được hiểu quyền chiếm hữu là một bộ phận của quyền sở hữu.

Việc quy định như vậy thì quyền chiếm hữu là kết quả của quyền sở hữu và trong một số trường hợp, từ việc tình trạng chiếm hữu tài sản của một số chủ thể mà pháp luật cho phép xác lập quyền sở hữu của chủ thể đó đối với tài sản: Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu (Điều 239); xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy (Điều 240)...
Lễ công bố lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự.
Lễ công bố lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự.
 Tuy nhiên, với cách tiếp cận này chưa phản ánh được thực tế là có nhiều trường hợp, việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp lại không có quyền chiếm hữu. Họ chỉ được ghi nhận là người chiếm giữ thực tế đối với tài sản mà thôi. Vì vậy dẫn đến việc, nếu như người chiếm hữu có quyền được tự mình yêu cầu pháp luật bảo vệ, chống lại các hành vi xâm phạm thì người chiếm giữ thực tế lại không có quyền tự bảo vệ mà chỉ có thể bảo vệ tài sản hay yêu cầu pháp luật bảo vệ tài sản thông qua hành vi của chủ sở hữu.

Dự thảo Bộ luật Dân sự đã ghi nhận chiếm hữu là một chế định riêng trong phần vật quyền. Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và các chủ thể khác không phải là chủ sở hữu. Theo đó, việc chiếm hữu tài sản của một người luôn được suy đoán và đối xử như là chiếm hữu của chủ sở hữu. Một người thực tế đang chiếm giữ tài sản được coi là một người chiếm hữu tài sản một cách ngay tình, liên tục và công khai. Việc suy đoán người đang chiếm hữu là người có quyền lợi hợp pháp có ý nghĩa quan trọng không chỉ ghi nhận người chiếm hữu có những quyền pháp lý nhất định mà còn tác động đến sự ổn định trong xã hội vì chế định này không cho phép các chủ thể, đặc biệt là các cá nhân được dùng vũ lực với nhau để giải quyết tranh chấp về tài sản.

 Người chiếm hữu được pháp luật bảo vệ trong trường hợp việc chiếm hữu tài sản vị người khác xâm phạm; Người chiếm hữu bị người khác cản trở việc chiếm hữu đối với tài sản có quyền yêu cầu chấm dứt việc cản trở đó và lập lại tình trạng ban đầu; Người chiếm hữu bị người khác chiếm đoạt tài sản có quyền yêu cầu trả lại tài sản bị chiếm đoạt cho mình. Người nào cho rằng người đang chiếm hữu tài sản không phải là chủ sở hữu thì phải chứng minh. Như vậy, cho dù chủ sở hữu đích thực của tài sản muốn lấy lại tài sản thì cần phải chứng minh tư cách chủ sở hữu của mình đối với tài sản đang bị người khác chiếm hữu, đồng thời, không được thực hiện những hành vi vi phạm đối với người chiếm hữu và khôi phục lại tình trạng ban đầu nếu có khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, việc một chủ thể chứng minh tư cách chủ sở hữu hoặc phủ nhận việc chiếm hữu của một chủ thể khác đối với tài sản trong một số trường hợp không phải là việc dễ dàng, nhất là đối với những loại tài sản không có sự ghi nhận, đăng ký quyền sở hữu của chủ thể đối với tài sản đó, ví dụ những loại tài sản là động sản không đăng ký quyền sở hữu như máy tính, điện thoại...

Quyền sở hữu được coi là vật quyền thứ nhất, tuyệt đối, trọn vẹn nhất, nó có tác dụng thiết lập tính độc quyền của chủ thể đối với tài sản, một cách hoàn hảo, từ nắm giữ, kiểm soát về phương diện vật chất, cho đến khai thác công năng kinh tế và cả số phận vật chất, pháp lý của tài sản. Nội dung quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt của chủ sở hữu theo quy định của luật. Việc dự thảo Bộ luật quy định dưới dạng khái niệm đối với quyền sử dụng - “Quyền sử dụng là quyền của chủ sở hữu khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản” (Điều 217) và quyền định đoạt - “Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu vật hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó” (Điều 218) mà không khái niệm về quyền chiếm hữu dễ dẫn đến việc hiểu “chiếm hữu” - một loại vật quyền và quyền chiếm hữu - một bộ phận của quyền sở hữu là một.

Bên cạnh đó, liên quan đến quyền chiếm hữu trong nội dung quyền sở hữu, việc chiếm hữu của chủ sở hữu (Điều 214) hoặc của chủ thể khác khi được chủ sở hữu ủy quyền quản lý (Điều 215) hoặc thông qua giao dịch dân sự về chuyển quyền chiếm hữu, chuyển quyền sử dụng (Điều 216) thì việc chiếm hữu này chỉ áp dụng đối với “vật” mà không áp dụng đối với “tài sản”, điều này dường như chưa phù hợp với phạm vi quyền chiếm hữu mà một chủ thể có thể có trên tài sản nếu như tài sản đó không tồn tại ở dạng vật chất là vật.

Tại khoản 1, Điều 216 của dự thảo Bộ luật quy định: “Khi chủ sở hữu giao vật cho người khác thông qua giao dịch dân sự về chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch”. Việc quy định này có sự mâu thuẫn ngay trong chính nội dung của điều luật, khi mà các bên chuyển giao vật thông qua giao dịch về chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng mà nội dung lại không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng thì các bên sẽ thực hiện nội dung của giao dịch này như thế nào?

Vì vậy, cần chỉnh sửa thành: “Khi chủ sở hữu giao vật cho người khác thông qua giao dịch dân sự về chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng tài sản đó thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch”.