Chiến lược nào cho bóng đá Việt Nam?

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong buổi gặp mới đây với lãnh đạo Tổng cục TDTT, VFF và Ban huấn luyện đội tuyển (ĐT) nữ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt khen ngợi thành tích giành Huy chương Vàng SEA Games 29 của ĐT bóng đá nữ.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu ngành thể thao phải có chiến lược đầu tư dài hơi cho bóng đá.
Sau mỗi lần thất bại, bóng đá nước nhà lại đứng trước những yêu cầu phải thay đổi, thậm chí là cách mạng để có được thành công trên sân cỏ. HLV đương nhiên bị sa thải. Lãnh đạo đối diện với áp lực phải từ chức. Bao nhiêu lần thất bại là bấy nhiêu lần sóng gió và thay đổi về nhân sự, nhưng rút cuộc, nền bóng đá vẫn không đạt được như kỳ vọng. Thậm chí, có nhiều cuộc cách mạng còn mang đến kết quả tệ hơn. Đơn cử như năm 2011, khi ông Trần Quốc Tuấn bị rút về ngành thể thao vì áp lực dư luận, bóng đá Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng: Không thành tích, tài trợ tháo chạy và giải đấu quốc nội hỗn loạn.

Cách đây không lâu, một số cựu cầu thủ và quan chức bóng đá về hưu đã gây xôn xao dư luận bằng kiến nghị yêu cầu cách mạng nền bóng đá. Họ cho rằng, bóng đá Việt Nam đang xuống đáy. Chỉ có điều, các chuyên gia này không thể chỉ ra thế nào là xuống đáy và có những so sánh với giai đoạn trước ra sao. Đó là chưa kể đến việc, bóng đá Việt Nam vừa đón nhận nhiều tin vui khi ĐT futsal, ĐT U20 lần đầu tiên vào World Cup. Các đội tuyển khác cũng lọt vào Vòng chung kết châu Á và nhà tài trợ đã quay lại với những bản hợp đồng lớn hơn. Bóng đá trẻ cũng có nhiều khởi sắc với hàng loạt trung tâm đào tạo trẻ ra đời.

Và, sau những cuộc đấu đá nơi hậu trường, người ta nhận ra rằng, không phải lúc nào những ý kiến phản biện cũng vì mục tiêu chung là phát triển bóng đá. Đôi khi, nó mang màu sắc cá nhân. Những chỉ trích xuất hiện là nhằm hạ bệ một cá nhân hay nhóm người nào đó chứ không thể hiện một tầm nhìn cho bóng đá Việt Nam.

Vậy thì, cần phải làm gì để bóng đá Việt Nam phát triển? Chắc chắn, không phải là những chỉ trích thiếu căn cứ, hoặc nhằm dụng ý cá nhân. Bóng đá Việt Nam cần chiến lược phát triển dài hơi. Bởi nếu không có một định hướng đúng, một kế hoạch hành động cụ thể thì dù ai đảm nhiệm vị trí lãnh đạo VFF rồi cũng thất bại như đã từng xảy ra. Nhưng, chiến lược phát triển cho nền bóng đá thì chỉ mình VFF, thậm chí là ngành thể thao thôi là không đủ mà cần sự vào cuộc đồng bộ từ T.Ư đến địa phương, đặc biệt là những chuyển biến thật sự từ các đội bóng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần