Chiến lược mới trong công nghiệp ô tô

Phương Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương khẳng định, đến năm 2020, nhu cầu thị trường trong nước dự tính đạt khoảng 450.000 – 500.000 xe.

Nhưng năm 2025, con số này có thể tăng gần gấp đôi khoảng 800.000 – 900.000 xe. Tiềm năng lớn nhưng thách thức đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong bối cảnh hiện tại lại không hề nhỏ.

Nhu cầu liên tục tăng

Ghi nhận từ thực tế cho thấy nhu cầu về ô tô của thị trường trong nước là rất lớn. Cụ thể, số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 5/2017, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (CBU) ước đạt 9.000 chiếc, giá trị 187 triệu USD, tăng khoảng 2.000 về lượng và 17 triệu USD về giá trị so với tháng trước đó.

Khách hàng tìm hiểu dòng xe ô tô nhập ngoại tại hội chợ diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Như vậy, trong 5 tháng đầu năm, thị trường đã tiếp nhận 42.000 xe nguyên chiếc, tăng 3,2% so với cùng kỳ, tổng trị giá ước đạt 850 triệu USD. Nếu tính hết các loại ô tô, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã chi hơn 2,2 tỷ USD tiền nhập khẩu.

Thị trường lớn nên mặc dù phía trước là không ít thách thức khi mà hàng rào thuế quan bị rỡ bỏ, chính sách phát triển ngành ô tô trước đây thất bại, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp… nhưng đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, Việt Nam bắt buộc phải phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, nếu không, kinh tế vĩ mô có thể trở nên bất ổn. Bởi theo tính toán, với nhu cầu lớn từ 800.000 – 900.000 xe năm 2025 và 1,5 – 1,8 triệu xe năm 2030, nếu ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không tự lo được sẽ dẫn đến kim ngạch xuất khẩu lần lượt ở 2 thời điểm này rơi vào khoảng 12 tỷ và 21 tỷ USD, gây áp lực nhập siêu lên nền kinh tế.

Và những giải pháp

Để phát triển thị trường ô tô trong nước, liên bộ GTVT - Công Thương đã có Tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất 3 nhóm giải pháp chính. Nhóm thứ nhất, Bộ Công Thương đề nghị phải tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước, khuyến khích sử dụng xe sản xuất trong nước. Trong đó, có các biện pháp đảm bảo sự phát triển minh bạch thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước. Nhóm thứ hai, là các giải pháp hỗ trợ mạnh đối với các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với các sản phẩm chủ lực, có dung lượng thị trường tốt, khả năng cạnh tranh cao. Trong đó, áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước của ô tô. Nếu được thông qua, đây sẽ là ưu đãi lớn chưa từng có cho những DN này. Ở nhóm giải pháp thứ ba, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ, Bộ KH&ĐT thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn, sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các tập đoàn và dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN. Đây được coi là đề xuất khá mới khi khuyến khích và xây dựng cơ chế nhằm đến các tập đoàn sản xuất xe hơi lớn của Nga, các nước Đông Âu hoặc Pháp, hiện chưa có cơ sở liên doanh, sản xuất tại ASEAN.

Bên cạnh ý kiến nhìn nhận thị trường ô tô Việt Nam còn bỏ ngỏ những tiềm năng lớn liên quan đến ổn định của nền kinh tế nên phải có những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất, kinh doanh trong nước. Song cũng có ý kiến cho rằng không vì thế mà phát triển bằng mọi giá nhằm ngăn chặn nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác ô tô cũ, ô tô kém chất lượng. Bên cạnh đó, đây cũng là tài sản liên quan đến tính mạng con người, do đó, phải có những điều kiện để bảo đảm quyền lợi, sự an toàn cho người sử dụng. Đó mới là xu thế chính, cách tiếp cận mới cho ngành công nghiệp đầy tiềm năng này trong thời gian tới.

Cùng với việc đề xuất 3 giải pháp để phát triển ngành công nghiệp ô tô, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp với định hướng của Chính phủ. Bộ Tài chính rà soát và đề xuất điều chỉnh các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại Luật số 106/2016/QH13. Bộ GTVT nghiên cứu, sửa đổi thay thế một số quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới nhằm đơn giản hóa các thủ tục đăng kiểm kiểu loại xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, lắp ráp đưa xe ô tô vào lưu thông, đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần