Chiến sĩ áo xanh nơi tuyến đầu chống dịch

Bài, ảnh: Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù năm 2020 đã đi qua, nhưng cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 đã đọng lại nhiều hình ảnh xúc động và chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt Nam.

Cùng với các “chiến sĩ áo trắng” thì quân đội, công an cũng luôn là lực lượng tiên phong đi đầu, trực tiếp tham gia chống dịch.

Khi phát hiện ổ dịch lớn tại BV Bạch Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa), hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an phường và quận Đống Đa đã vào cuộc tích cực. Thiếu tá Nguyễn Duy Định - Trưởng Công an phường Phương Mai cho biết, suốt đêm 28/3/2020 (thời điểm cách ly toàn bộ BV Bạch Mai), các cán bộ, chiến sĩ công an phường đã trắng đêm làm nhiệm vụ để đảm bảo tuyệt đối an toàn đưa hơn 500 người từ BV đến khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của TP. “Mệt mỏi, áp lực nhưng chúng tôi nhận thức rõ đây là thời điểm tất cả phải cố gắng, nỗ lực, quyết tâm để bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân” - Thiếu tá Nguyễn Duy Định tâm sự.
 Lực lượng dân phòng tại khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp hỗ trợ người dân chuyển đồ sau khi hoàn thành cách ly.
Còn Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng - Đội phó Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Đống Đa) đã cùng 20 đồng đội xung phong nhận nhiệm vụ canh chốt chống dịch, bất chấp nguy cơ phơi nhiễm cao. “Nhận công việc trong hoàn cảnh gấp rút nên tôi cùng đồng đội có rất ít thời gian để chuẩn bị. Thậm chí có người còn chưa kịp chào hỏi vợ con hay thông báo cho gia đình biết. Thế nhưng ai cũng thể hiện rõ quyết tâm xung phong đi đầu trong công tác chống dịch” - Thiếu tá Nguyễn Trọng Hùng chia sẻ.

Thời gian gần đây, báo chí nước ngoài đã có nhiều bài viết ca ngợi thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có đóng góp không nhỏ của những người lính Cụ Hồ, đặc biệt việc đảm bảo tránh lây nhiễm ở khu cách ly.

Tính luỹ kế đến cuối năm 2020, TP đã cách ly tại khu tập trung gần 44.800 người, 198 ca mắc Covid-19 và chưa có ca mắc tử vong. Theo Đại tá Nguyễn Hồng Hải - Cục trưởng Cục Hậu cần (Bộ Tư lệnh Thủ đô), do đặc thù giờ hạ cánh của các chuyến bay quốc tế nên 29 đồng chí trong tổ lái xe thường xuyên phải làm nhiệm vụ trong đêm. Vào ngày cao điểm, lái xe và bộ phận phục vụ phải vận chuyển gần 1.700 người và lượng lớn hành lý. Trong khi đó, nêu cao tinh thần "Vì Nhân dân phục vụ", dù vợ mới sinh con thứ hai chưa được 2 tuần nhưng Thiếu úy Đặng Phi Long - nhân viên quân y Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 301 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) đã tình nguyện ở lại cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ. Hay Đại úy Vũ Văn Mừng (lái xe) và vợ là Thiếu tá Trần Thị Nhâm - nhân viên quân y tại Sư đoàn 301 đã phải gửi con về quê ở tỉnh Hải Dương từ nhiều ngày qua để yên tâm làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung do đơn vị được giao phụ trách.

Khó khăn lớn nhất trong đợt cách ly vừa qua tại Trường Quân sự (Bộ Tư lệnh Thủ đô) là số công dân từ nước ngoài về nước thường vào ban đêm nhiều nên những ngày đầu bộ phận phục vụ phải thức trắng đêm để làm việc. Trong khi đó, bộ phận hậu cần thường phải làm việc từ 2 - 3 giờ sáng đến 18 giờ tối để bảo đảm nhiệm vụ nấu ăn phục vụ người cách ly đủ 3 bữa/ngày.

Thế nhưng, vì nhiệm vụ chung, ai cũng nỗ lực mang bình yên cho Thủ đô và đất nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần