Chiến sự leo thang, giá dầu nhảy múa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Yemen không phải là một nhà sản xuất dầu lớn trong khu vực nên ngay cả khi nguồn cung tại đây bị gián đoạn cũng không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tuy nhiên với vị trí địa chính trị quan trọng, tình hình chiến sự leo thang tại đây đã khiến giá dầu thế giới tăng mạnh.

“Mồi lửa” xung đột

Là điểm trung chuyển của khu vực với Biển Đỏ thông qua kênh đào Suez, những căng thẳng ở Yemen có thể khiến các tàu chở dầu và tàu chở các mặt hàng thiết yếu khác không thể ra – vào bán đảo Ả Rập. Chỉ riêng năm 2013, 7% giá trị thương mại của dầu thế giới đã đi qua con đường hàng hải này nên chỉ cần cửa ngõ Yemen bị đóng cửa, các tàu chở dầu sẽ phải vòng qua châu Phi, khiến mức phí đầu vào tăng cao và tác động mạnh đến giá dầu. 
 
Giá dầu mỏ bất ngờ tăng mạnh bất chấp lo ngại cung vượt cầu.
Giá dầu mỏ bất ngờ tăng mạnh bất chấp lo ngại cung vượt cầu.
Ngoài ra, bất ổn tại Yemen có thể trở thành “mồi lửa” lan sang quốc gia láng giềng Ả Rập Saudi – nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Nếu kịch bản này xảy ra, từ bất ổn tại một quốc gia nó sẽ biến thành cuộc xung đột khu vực, làm gián đoạn các hoạt động giao dịch dầu mỏ.

Giá dầu tăng hơn 10%

Lo ngại về nguy cơ gia tăng cẳng thẳng địa chính trị tại Trung Đông không phải là không có cơ sở khi thị trường đã có câu trả lời tương ứng bằng sự leo dốc của giá dầu kể từ giữa tuần qua. Chỉ tính riêng hai phiên giao dịch ngày 25 và 26/3, giá dầu đã tăng hơn 10% từ mức thấp nhất 6 năm qua. Trong lúc Hội nghị thượng đỉnh các nước Ả Rập diễn ra tại Ai Cập (28 - 29/3) nhằm bàn về các vấn đề lớn của khu vực, sự bất ổn tại khu vực với cuộc nội chiến ở Syria, khủng hoảng chính trị, an ninh tại Iraq, Yemen và Libya đã bước sang năm thứ 5. Trong khi đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - lực lượng cực đoan chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn của Iraq và Syria đã lợi dụng tình hình để hình thành thêm nhiều chân rết trên khắp khu vực. Và việc chính quyền Ả Rập Saudi quyết định ném bom các mục tiêu ở Yemen chính là lời nhắc nhở về căng thẳng tại Trung Đông – khu vực sản xuất dầu lớn nhất thế giới không hề giảm đi mà đang được bồi đắp thêm các yếu tố để bùng phát thành một cuộc xung đột trên diện rộng. 

Gần một năm qua, quan hệ giữa Iran và một số thành viên OPEC đã thể hiện rõ sự không hài lòng với chính sách duy trì sản lượng dầu mỏ của Ả Rập Saudi trong bối cảnh giá dầu lao dốc. Hiện chưa rõ, sự đối đầu giữa Iran và Ả Rập Saudi ảnh hưởng thế nào đến tình hình xung đột tại Yemen, nhưng chắc chắn là sự tham gia của các quốc gia có lợi ích mâu thuẫn nhau sẽ làm trầm trọng hơn cuộc nội chiến tại đây và khiến thị trường dầu thế giới và các bên phải trả giá đắt.

 
Theo các chuyên gia, xung đột tại Yemen sẽ khiến sản lượng dầu vốn khiêm tốn của nước này hiện ở mức 130.000 thùng/ngày sẽ giảm tiếp 1/3 khiến tình hình kinh tế - xã hội thêm khó khăn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần