Chiến tranh thương mại: Nhật Bản có là mục tiêu kế tiếp của ông Trump?

Hương Thảo (AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hữu nghị trên sân golf giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe liệu có thể giúp Nhật tránh được một kết cục giống Trung Quốc trong vấn đề giao thương với Mỹ?

Trong khi Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đã nhắm tới Trung Quốc, Canada và Mexico vì sự mất cân bằng thương mại, thì sự thân thiết trên sân golf giữa ông Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe được kỳ vọng có khả năng giữ Tokyo thoát khỏi "tầm bắn".
Tuy nhiên gần đây, khi hai nước chuẩn bị tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao liên quan đến những mâu thuẫn thương mại, nhiều dấu hiệu đã xuất hiện cho thấy Nhật Bản có thể là đích mới trong quan điểm của Tổng thống Mỹ, với nguy cơ là một mức thuế xe hơi cao hơn nhiều so với thời điểm hiện tại.
Thuế nhập khẩu xe Nhật Bản có thể được đưa vào chương trình nghị sự giữa hai nước, dẫn đến tác động đáng kể đối với nền kinh tế Nhật Bản. Ảnh: AFP 
Nhật Bản trong mắt ông Trump
Một thực tế là ông Trump thường xuyên phàn nàn về sự "thâm hụt rất lớn" với Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 Thế giới.
Bình luận trên tờ Wall Street Journal, ông Trump nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp của mình với người Nhật ngay trước khi đưa ra cảnh báo: "Tất nhiên, điều đó sẽ chấm dứt ngay sau khi tôi nói với họ rằng họ sẽ phải trả bao nhiêu tiền".
Thâm hụt năm 2017 của Mỹ trong giao dịch hàng hóa với Nhật Bản là 68,8 tỷ đô la, đứng sau Trung Quốc (375 tỷ) và Mexico (71 tỷ), chưa bằng một phần mười tổng thâm hụt của Mỹ với phần còn lại của thế giới (796 tỷ).
Theo số liệu thống kê chính thức của Mỹ, mức thâm hụt đã lên đến 40 tỷ đô la trong 8 tháng năm 2018, trong khi xuất khẩu xe hơi và linh kiện tự động chiếm 80% sự mất cân đối đó. Điều này ít liên quan đến thuế quan, bởi Nhật Bản không có trách nhiệm với ô tô nhập khẩu trong khi Mỹ áp dụng mức thuế 2,5% với mặt hàng này.
Theo các nhà phân tích, sở dĩ có điều này là do kích thước có phần lớn hơn ở phương tiện của Mỹ không phù hợp với các con đường của Nhật Bản hoặc thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng Nhật Bản đã áp đặt một loạt các rào cản phi thuế quan, bao gồm là những gì họ cho là các tiêu chuẩn an toàn quá nghiêm ngặt, khiến việc nhập khẩu trở nên khó khăn.
Tình hình các cuộc đàm phán
Các cuộc đàm phán ban đầu giữa đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và đối tác Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã diễn ra mà không có một bước đột phá gì đáng kể. Vòng đàm phán thứ 2 được trông đợi sẽ diễn ra vào cuối ngày 24/9.
Hai bên có quan điểm khá đối lập: Tokyo muốn giải quyết các tranh chấp thương mại trong một diễn đàn như Đối tác xuyên Thái Bình Dương (mà Mỹ đã rút khỏi) hay một hiệp định thương mại đa quốc gia, trong khi Washington chỉ muốn có một thỏa thuận song phương.
Theo Kyodo News, Tokyo có thể chấp nhận phương pháp song phương nếu Washington ngừng áp đặt thuế quan bổ sung cho ngành ô tô Nhật Bản.
"Rất có khả năng Donald Trump sẽ chuyển trọng tâm của mình sang Nhật Bản sau khi ông đạt được một số giải quyết hoặc thỏa thuận về căng thẳng thương mại của Mỹ trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc và NAFTA", nhà kinh tế học Harumi Taguchi của IHS Markit nhận định.
Giá xe hơi sẽ biến động?
"Vũ khí hiệu quả nhất của chính quyền Trump trong các cuộc đàm phán với Nhật Bản vẫn là mối đe dọa áp đặt mức thuế lên tới 25% đối với ô tô nhập khẩu trên lập trường an ninh quốc gia", Tobias Harris từ Teneo Intelligence cho biết.
Một động thái như vậy sẽ có tác động đáng kể đối với nền kinh tế Nhật Bản, khi theo ông Taguchi thì "mức thuế 25% với ô tô có thể cắt giảm 0,5% GDP của Nhật Bản".
Các nhà sản xuất tuyên bố họ sẽ không thể gánh nổi chi phí và nó sẽ được chuyển qua cho người tiêu dùng Mỹ. Và trong trường hợp của Toyota, điều này có thể khiến người mua phải trả đến 6.000 đô la cho mỗi chiếc xe.
Tổng thống Trump có thể sẽ yêu cầu gia tăng số lượng ô tô Nhật Bản sản xuất tại Mỹ, tuy nhiên điều kiện thực tế bị hạn chế. "Các công ty ô tô Nhật Bản đã sản xuất gần 4 triệu chiếc mỗi năm ở Mỹ và sử dụng 1,5 triệu công nhân ở đó", ông Taguchi nói.
Một cuộc chiến thuế quan kiểu ăn miếng trả miếng như Trung Quốc cũng không khả thi, khi ông Abe từng cho rằng động thái như vậy sẽ không có lợi cho cả hai bên. Thay vào đó, Nhật Bản có lẽ sẽ kiến ​​nghị với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong trường hợp Mỹ áp thuế quan.
Lối thoát nào cho Nhật Bản?
Những gì Thủ tướng Shinzo Abe nên làm là hứa hẹn sẽ mua nhiều hơn "đá phiến dầu, thiết bị quân sự và một số hàng hóa khác của Mỹ mà không ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước", ông Taguchi nói.
Nhật Bản gần đây đã công bố việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore đắt đỏ do nhà thầu Mỹ Lockheed Martin sản xuất. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ và ông Abe sẽ phải vận dụng hơn nữa các kỹ năng đàm phán của mình.
"Nếu Nhật Bản đưa ra một "thỏa thuận ưu đãi về việc tiếp cận thị trường trong tương lai gần, đặc biệt là những quyết định mang tính nhượng bộ về nông nghiệp", chúng có thể giúp Tokyo thoát khỏi cơn thịnh nộ của Trump", ông Harris nói.
Nhưng đây lại là một chủ đề rất nhạy cảm ở Nhật Bản khi nước này đã có thuế quan để bảo vệ nông dân của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần