Chiều 15/8, hơn 5.600 thí sinh thi kiểm tra tư duy xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bài kiểm tra tư duy được thiết kế để đánh giá năng lực cốt lõi của các thí sinh và khả năng theo học các ngành học ở bậc đại học (ĐH) tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo Đề án và kế hoạch tuyển sinh ĐH năm 2020, trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện các phương thức xét tuyển thẳng; xét tuyển tài năng; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Ngoài ra, còn có phương thức xét tuyển kết hợp (sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020 và kết quả Bài kiểm tra tư duy theo tổ hợp xét tuyển A19 và A20) đã được Bộ GD&ĐT cho phép thực hiện.

Hơn 5.600 thí sinh thi kiểm tra tư duy xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Từ 13 giờ 30 chiều ngày 15/8, trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức bài kiểm tra tư duy cho các thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH năm 2020 vào trường tại hai địa điểm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa).
Theo số lượng đăng ký và qua sơ tuyển, có 5.623 thí sinh đủ điều kiện dự thi bài kiểm tra tư duy, thi tại 194 phòng thi. Tại điểm thi trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 4.975 thí sinh dự thi tại 167 phòng thi.
Đây là năm đầu tiên trường ĐH Bách khoa Hà Nội triển khai xét tuyển kết hợp (sử dụng kết quả thi THPT 2020 và kết quả Bài kiểm tra tư duy), dự kiến chiếm khoảng 30 - 35% tổng chỉ tiêu đào tạo của trường năm 2020.
Bài kiểm tra tư duy là một thành phần điểm. Điểm của bài kiểm tra tư duy (môn chính) cùng với điểm Toán, Lý hoặc Toán, Hóa của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để xét thành một tổ hợp điểm.
Các thí sinh thực hiện bài kiểm tra tư duy gồm hai phần trắc nghiệm và tự luận, trong đó nội dung về Toán và Đọc hiểu, với thời gian làm bài 120 phút.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, bài kiểm tra tư duy đưa ra đề bài ở các mức độ khác nhau, từ thông hiểu, vận dụng đến vận dụng sáng tạo. Bài kiểm tra yêu cầu thí sinh có khả năng suy luận, nắm bắt và vận dụng kiến thức trong thời gian ngắn. Toàn bộ phần kiến thức nằm trong kiến thức phổ thông nhưng gắn liền với tình huống thực tế.
Bài kiểm tra này được thiết kế để đánh giá năng lực cốt lõi của các thí sinh và khả năng theo học các ngành học ở bậc ĐH, đặc biệt những khối ngành khoa học kỹ thuật. Nội dung bài thi được xây dựng phù hợp với đặc điểm của giáo dục Việt Nam và cách tiếp cận tiên tiến trên thế giới.
Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã triển khai các công tác phòng cháy chữa cháy, phòng chống dịch Covid-19. Nhà trường cũng lên kế hoạch cụ thể để sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu nhất nếu như dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.